Thị trường hàng hóa tuần từ 19-26/11: Dầu và kim loại lao dốc do biến chủng mới Omicron
Kết thúc tuần giao dịch từ 19-26/11, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến hầu hết các mặt hàng giảm giá mạnh, nhất là dầu và kim loại, trước thông tin về sự xuất hiện của virus Corona biến thể mới Omicron từ khu vực miền Nam châu Phi gây hoảng loạn thị trường.
Năng lượng: Giá dầu lao dốc trong tuần giảm thứ 5 liên tục, khí LNG và than biến động trái chiều
Kết thúc phiên cuối tuần qua 26/11, giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 do một biến thể mới của virus Corona gọi là Omicron khiến các nhà đầu tư lo ngại và làm tăng thêm mối lo nguồn cung dư thừa có thể tăng lên trong quý I/2022.
Cụ thể, dầu Brent giảm 9,5 USD/thùng (-11,6%) so với phiên liền trước, xuống 72,72 USD/thùng và cả tuần giảm hơn 8%; dầu thô WTI giảm 10,24 USD/thùng (-13,1%) xuống 68,15 USD/thùng và cả tuần giảm hơn 10,4%.
Như vậy, cả 2 loại dầu đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp và giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, khi giá WTI lần đầu tiên chuyển sang âm trong bối cảnh dư thừa nguồn cung do virus Corona gây ra.
OPEC+ đang theo dõi sự phát triển của biến thể này, với một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng có thể làm xấu đi triển vọng thị trường dầu mỏ trong chưa đầy một tuần trước cuộc họp thiết lập chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 1-2/12 tới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược cùng với sự phối hợp của các quốc gia tiêu thụ lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, để cố gắng “hạ nhiệt” thị trường năng lượng. Tuy nhiên, OPEC cảnh báo rằng, động thái này sẽ làm nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu mỏ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng hơn 7% vào thứ Sáu (ngày 26/11/2021), ghi dấu tuần tăng mạnh trong gần 2 tháng qua, được hỗ trợ bởi dự báo về nhu cầu sưởi ấm cao hơn so với dự kiến trước đó.
Cụ thể, hợp đồng LNG giao tháng 12/2021 tăng 37,9 cent lên 5,447 USD/mmBtu, tính cả tuần tăng 7,5% sau khi tăng khoảng 5,8% vào tuần trước nữa.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ mức 112 bcfd trong tuần này lên mức 112,8 bcfd vào tuần tới khi thời tiết chuyển sang mùa lạnh hơn.
Ngược lại, tại châu Á, giá LNG giảm trong tuần qua do lo ngại về tác động tiềm tàng của biến thể mới Omicron, nhưng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu sưởi ấm cao hơn.
Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 1/2022 tại khu vực Đông Bắc Á giảm xuống 36,1 USD/mmBtu (-1,6% hay 0,6 USD) so với tuần trước. Giá giao hàng tháng 2/2022 ước tính vào khoảng 35,15 USD/mmBtu.
Tại châu Âu, khu vực Tây và Nam Âu đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn LNG trong tháng 11/2021 và đang trên đà vượt mức 5,7 triệu tấn của tháng trước đó. Công ty Dữ liệu Spark Commodities cho biết, giá cước vận chuyển LNG giao ngay tại Thái Bình Dương đạt mức cao kỷ lục vào ngày 26/11.
Giá than ở Nam Phi vượt quá 160 USD/tấn, do tồn kho than cực thấp tại Vịnh Richards (2,2 triệu tấn), các vấn đề đang diễn ra với tuyến đường sắt nối các tỉnh sản xuất than của Nam Phi và cảng Richards Bay, trong khi nhu cầu từ một trong những thị trường lớn nhất thế giới là Ấn Độ ngày càng tăng .
Tại Trung Quốc, giá than giao ngay 5.500 kcal/kg nằm trong khoảng 175-180 USD/tấn, do nhiệt độ trung bình hàng ngày giảm thấp hơn ở nhiều địa phương. Theo FOB Qinhuangdao, bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào trong báo giá của Trung Quốc đều khó có thể xảy ra trong tương lai gần do sản lượng tăng mạnh và các biện pháp kiềm chế giá than tăng cao hơn của chính phủ nước này.
Tại Úc, tình hình lũ lụt và thời tiết bất lợi ở khu vực khai thác Thung lũng Hunter khiến các chuyến hàng than bị trì hoãn, dẫn đến giá than Úc tăng lên 170 USD/tấn.
Hoạt động giao dịch của người tiêu dùng Trung Quốc giảm, cũng như mưa lớn ở Kalimantan của Indonesia, làm chỉ số giá than Indonesia 5.900 kcal/kg giảm xuống 140 USD/tấn.
Nhu cầu nguyên liệu luyện kim yếu trên thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã tác động tiêu cực đến giá than luyện cốc, giảm xuống dưới 320 USD/tấn.
Kim loại: Đồng loạt giảm mạnh
Kết thúc phiên 26/11, giá vàng giao ngay tăng 0,2% so với phiên liền trước, chốt ở mức 1.791,97 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,1% lên 1.785,5 USD/ounce. Trong phiên, có thời điểm vàng giao ngay tăng hơn 1% lên 1.815,26 USD/ounce, còn vàng kỳ hạn tăng hơn 1% lên 1.815,26 USD/ounce.
Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 2,9% - mạnh nhất kể từ giữa tháng 6/2021, một phần bởi áp lực từ dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Các kim loại quý khác dường như đang tách khỏi động thái của vàng. Theo đó, giá bạc kết thúc phiên 26/11 giảm 1,9% xuống 23,14 USD/ounce, bạch kim giảm 4,3% xuống 952,77 USD/ounce, palladium giảm 6% xuống 1.747,95 USD (trong phiên có lúc palladium giảm hơn 8% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 23/3/2020). Tính chung cả tuần, các kim loại quý này đều giảm mạnh.
Nhà phân tích Peter Fertig của Công ty Nghiên cứu hàng hóa định lượng (Mỹ) cho rằng, giá palladium và bạch kim giảm là bởi lo ngại biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến doanh số bán xe hơi cũng như nhu cầu về kim loại được sử dụng trong hệ thống xả ô tô.
Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 2,6% xuống 9.465 USD/tấn. Kim loại dùng để đánh giá sức khỏe kinh tế toàn cầu này đã giảm tuần thứ 2 liên tiếp.
Thị trường đồng thiếu hụt 107.000 tấn trong 8 tháng đầu năm nay so với thiếu hụt 97.000 tấn trong cùng kỳ năm trước, theo Tổ chức Nghiên cứu đồng quốc tế. Dự trữ toàn cầu đang tăng, nhưng vẫn ở mức thấp trong lịch sử.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 4,2% xuống 2.601 USD/tấn, kẽm giảm 3,1% xuống 3.197 USD/tấn, chì giảm 0,4% xuống 2.261 USD/tấn, thiếc giảm 0,5% xuống 38.600 USD/tấn, nickel giảm 3,7% xuống 19.895 USD/tấn.
Giá quặng sắt và thép giảm tại Trung Quốc cũng giảm trong phiên 26/11 sau khi phát hiện biến thể Omicron và các trường hợp nhiễm mới ở Thượng Hải khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hợp đồng quặng sắt Đại Liên có tuần tăng đầu tiên kể từ đầu tháng 10/2021 bởi động thái làm giảm khó khăn về thanh khoản của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản đang nợ nần.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 6,7% xuống 575,5 CNY (90,06 USD)/tấn, nhưng cả tuần giá tăng 9,5%.
Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 5% xuống 96,95 USD/tấn.
Tương tự, giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 2,5% sau khi tăng 6 phiên liên tiếp, thép cuộn cán nóng giảm 1,4% và kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, còn thép không gỉ giảm 4,1%.
Nông sản: Giá đậu tương giảm mạnh, ngô và lúa mì giữ đà tăng
Kết thúc phiên cuối tuần qua (26/11), thông tin về biến thể Omicron khiến giá ngô và đậu tương giảm mạnh, còn lúa mì tăng giá.
Cụ thể, đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm 13-3/4 US cent xuống 12,52-3/4 USD/bushel - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 4/11/2021. Tính cả tuần, giá đậu tương giảm 0,81%.
Giá lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 10 US cent xuống 8,4-1/4 USD/bushel và ngược lại, ngô CBOT cùng kỳ hạn đóng cửa tăng 6-1/4 US cent lên 5,91-3/4 USD/bushel.
Tính cả tuần, giá lúa mì tăng 0,72% và ngô tăng 3,63%. Doanh số xuất khẩu mạnh đã làm dịu đi cú sốc về biến chủng mới, ngô chuyển trở lại tích cực vào cuối phiên giao dịch.
Doanh số xuất khẩu ngô và lúa mì của Mỹ vượt dự đoán, với 1,429 triệu tấn ngô đã được bán chủ yếu sang Mexico và Canada, tăng 58% so với tuần trước nữa.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cà phê và cao su cùng giảm, trừ cao du Nhật Bản
Đóng cửa phiên 26/11, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 2,8% xuống 19,35 US cent/lb, tiếp tục thoái lui từ mức cao nhất 4,5 năm tại mức giá 20,69 US cent/lb trong tuần trước; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 1,9% xuống 501,4 USD/tấn sau khi chạm mức thấp nhất 2 tháng tại mức giá 495,8 USD/tấn.
Giá đường thô giảm nhanh sau khi phá vỡ ngưỡng kỹ thuật 19,56 US cent/lb. Giá năng lượng giảm cũng góp phần làm giảm giá đường, bởi giá dầu giảm có thể khiến các nhà máy đường tại Brazil sản xuất thêm đường và ít ethanol đi.
Cà phê ít bị bán tháo hơn do thị trường này tiếp tục nhận được hỗ trợ từ nguồn dự trữ của sàn giao dịch trong xu hướng giảm, khi các chuyến hàng từ Nam Mỹ bị trì hoãn do thiếu công suất vận chuyển container và nhà sản xuất không muốn bán ra.
Giá cao su Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần qua, kết thúc 4 ngày tăng liên tiếp và giảm từ mức cao nhất 6 tháng đạt được vào phiên 25/11. Theo đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 10,4 JPY (-4,1%) xuống 246,3 JPY (2,2 USD)/kg, nhưng cả tuần vẫn tăng 7,2%.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)
(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận