Thị trường hàng hóa hôm nay 23/1: Giá dầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp
Thị trường hàng hóa hôm nay 23/1, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11.
Giá dầu tăng cao
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11, khép lại tuần tăng thứ hai liên tiếp do sự lạc quan của các nhà đầu tư về nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 3 trên sở NYMEX tăng 1,91% lên mức 81,64 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn trên sở ICE tăng 2,76%, đóng cửa tuần tại mức giá 87,63 USD/thùng.
Trong tuần qua, thị trường dầu thô đã đón chờ hai báo cáo tháng quan trọng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Trong đó, cả hai tổ chức này đều nhận định tích cực về triển vọng tiêu thụ, với việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 sẽ đưa nhu cầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay. Cụ thể, OPEC dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 510.000 thùng/ngày trong năm nay so với năm 2022. Sự phục hồi mạnh mẽ sẽ diễn ra kể từ quý II/2023 sau khi nhu cầu giảm trong quý I.
Trong khi đó, IEA cũng đưa ra dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, lên mức kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với báo cáo trước. Tăng trưởng nguồn cung dầu thế giới vào năm 2023 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 1 triệu thùng/ngày, khiến cán cân cung cầu sẽ bị thắt chặt khi sản lượng của Nga giảm gần 870.000 thùng/ngày vì các lệnh cấm vận. Các thông tin này đều hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong các phiên ra báo cáo.
Sự kết thúc của chính sách Không Covid tại Trung Quốc đã vượt qua những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, yếu tố đã kéo giá dầu giảm gần 10% trong tuần đầu năm. Tuy nhiên, những lo ngại về suy thoái đó vẫn chưa hoàn toàn giảm bớt. Triển vọng tăng lãi suất hơn nữa từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến một số nhà giao dịch né tránh các tài sản rủi ro như cổ phiếu hay dầu thô, kiềm chế đà tăng của giá dầu trong tuần này. Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard và Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester cho biết lãi suất vẫn cần tăng vượt quá 5% để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Mặc dù vậy, bên cạnh triển vọng sáng sủa hơn về nhu cầu, sự không chắc chắn về nguồn cung dầu thô trong thời gian tới nhiều khả năng vẫn sẽ hỗ trợ cho giá. Theo dữ liệu từ Tập đoàn dầu khí Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 10 xuống còn 613 giàn trong tuần kết thúc ngày 20/1, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, phản ánh những khó khăn trong việc gia tăng nguồn cung.
Trong những tuần tới, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ tác động của các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với các sản phẩm tinh chế của Nga, được thực hiện vào ngày 5/2. Các nước châu Âu đã thúc đẩy việc hạ trần giá dầu thô đối với Moscow hơn nữa, nhưng chính quyền Biden có xu hướng phản đối động thái này. Nga chiếm khoảng 9,3% hàng hóa sản phẩm dầu toàn cầu theo khối lượng vào năm 2022, nhiều hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với thị phần trên thị trường dầu thô. Khoảng một nửa lượng dầu diesel nhập khẩu của EU và Anh là từ Nga vào năm 2022, tương đương với 668.000 thùng/ngày sẽ cần phải tìm được nguồn cung thay thế. Vì vậy, thị trường dầu trong thời gian tới có thể sẽ phải đối diện với nhiều biến động đáng chú ý.
Giá một số hàng hóa khác
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận