menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thúy Hằng

Thị trường được kiểm soát tốt sẽ giữ chân nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, động thái tăng lãi suất của Fed không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam...

Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích về hành động kiềm chế cú sốc lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo sẽ là quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày trong tuần qua, Fed tuyên bố sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, từ khoảng 0-0,25% lên 0,25-0,5%.

Mức lãi suất gần 0% đã được Fed duy trì kể từ đầu năm 2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch trên toàn cầu. Mặc dù so với kỳ vọng tăng là 0,5% của thị trường, biên độ nâng lãi suất của Fed vẫn còn khá nhẹ nhàng. Nhưng nếu lạm phát không giảm vào giữa năm 2022, các nhà phân tích ước tính rằng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn vào cuối năm 2022 cùng với việc đẩy nhanh chương trình thắt chặt định lượng.

Trước Fed, từ đầu tháng 3/2022, Ngân hàng Trung ương Canada đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt từ 0,25% lên 0,5%, bước đi đầu tiên trong nỗ lực nhằm kiểm soát lạm phát. Ở Anh quốc, trong bối cảnh lạm phát quốc gia này đã ở mức cao nhất trong 30 năm, Ngân hàng Trung ương Anh đã thống nhất tăng 0,25 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay của ngân hàng lên 0,75%. Song, cơ quan này dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, thậm chí lên tới khoảng 8% trong quý II/2022 và có thể còn cao hơn vào cuối năm nay. Điều này hàm ý chính sách sẽ tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất trong năm nay nếu lạm phát không giảm nhiệt.

Động thái đồng loạt tăng lãi suất của các nền kinh tế lớn tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi và cận biên. Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, tác động từ bên ngoài dễ truyền dẫn nhiều hơn so với các nền kinh tế có độ mở hẹp. Fed tăng lãi suất có thể khiến chi phí vay thương mại quốc tế trước áp lực mới, rủi ro vốn ngoại đảo chiều và áp lực đối với tỷ giá.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, lần tăng lãi suất này của Fed không tác động nhiều đến tỷ giá. Trên thực tế, sau quyết định tăng lãi suất của Fed, cả tỷ giá trung tâm, tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều giảm nhẹ.

Theo Công ty chứng khoán ACBS, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm nay dự kiến sẽ không bị nhiều tác động từ việc Fed tăng lãi suất. Công ty chứng khoán này dự báo lãi suất có thể sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2022 với mức tối đa 0,5% khi Chính phủ vẫn đang cần công cụ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.

Đồng thời, các quan điểm cũng chia sẻ, lạm phát trong năm 2022 sẽ duy trì dưới mức mục tiêu 4% của Quốc hội nhờ giá lương thực và thực phẩm dự kiến ổn định khi hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng hàng hóa đang dần trở lại bình thường.

Trong khi đó, tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed cho thấy, dòng vốn vào các thị trường mới nổi có xu hướng đảo chiều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái tăng lãi suất của Fed cũng không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam.

Thứ nhất bởi động thái này đã được dự báo từ khá sớm. Thứ hai mức tăng cũng khá nhỏ và theo nhiều chuyên gia, so với lạm phát thì mức lãi suất hiện nay tại Mỹ vẫn là thực âm.

Trên thực tế, mặc dù tuần trước, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam bị rút mạnh với con số ghi nhận ở mức 29 triệu USD, cao nhất trong 6 tháng vừa qua. Hoạt động rút vốn tập trung trên Quỹ ETF VFM VN30 và VanEck, đáng chú ý hơn là VFM VN Diamond bị rút vốn mạnh, ghi nhận ở mức 11 triệu USD. Tuy nhiên động thái này diễn ra trước quyết định của Fed và được nhận định chủ yếu là do các quỹ cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Thậm chí theo ACBS, “với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt của Việt Nam, chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất”.

Tin tưởng vào khả năng rút vốn mạnh của khối ngoại trong năm 2022 là không cao, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích khối khách hàng cá nhân của Maybank Investment Bank cho rằng, Fed tăng lãi suất không có nghĩa là Việt Nam cũng sẽ tăng lãi suất. Môi trường lãi suất ở Việt Nam tăng giảm tùy thuộc vào yếu tố nội tại của kinh tế như lạm phát, tăng trưởng GDP và tỷ giá. Vào lúc này, Việt Nam đang hồi phục tốt sau thời kỳ giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid-19 và duy trì mức kiểm soát lạm phát nên lãi suất trong nước dự kiến không tăng đột biến.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả