24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường dầu thế giới chấm dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp

Thị trường dầu dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp dù giá dầu giảm 1,5% trong phiên 2/12 nhiều biến động, trước thềm cuộc họp của OPEC+ cùng lệnh cấm của EU với dầu thô của Nga.

Thị trường dầu dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp dù giá dầu giảm 1,5% trong phiên 2/12 nhiều biến động, trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là OPEC+) vào Chủ nhật (4/12) cùng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga vào thứ Hai (5/12).
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,31 USD (tương đương 1,5%) xuống 85,57 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,24 USD (1,5%) xuống 79,98 USD/thùng.

Yếu tố chính tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là thông tin Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia (Ốt-xtrây-li-a) cùng ngày 2/12 cho biết đã nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng, dự kiến bắt đầu sớm nhất là từ ngày 5/12.

Hiện giới phân tích chưa thể xác định rõ tác động của việc áp trần giá riêng đối với dầu của Nga. Theo dự thảo thỏa thuận, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận dầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1/2023.

Hai nguồn tin tại các nhà sản xuất lớn của Nga cho biết sản lượng dầu của Nga có thể giảm từ 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2023 do lệnh cấm nhập khẩu bằng đường biển của Liên minh châu Âu từ thứ Hai.

Về phần phản ứng của giới quan sát, ông Manish Raj, Giám đốc tài chính của công ty môi giới đầu tư năng lượng Velandera Energy Partners cho biết việc áp mức giá trần cho dầu của Nga sẽ không có nhiều tác động, vì các khách hàng châu Á đã trả dưới mức giá này.

Tổng thể, thị trường năng lượng đã có một tuần tăng giảm khá thất thường.

Phiên đầu tuần 28/11, giá dầu thế giới rời khỏi mức thấp nhất trong gần một năm nhờ những đồn đoán về khả năng OPEC+ đàm phán để tiếp tục cắt giảm sản lượng giúp bù đắp những lo ngại về các hạn chế COVID-19 tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Khép phiên này, giá dầu WTI tăng 96 xu Mỹ (1,3%) lên 77,24 USD/thùng, còn giá dầu Brent biển Bắc giảm 44 xu Mỹ (0,5%) xuống 83,19 USD/thùng.

Những đồn đoán về chính sách sản lượng của OPEC+ và khả năng Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục chi phối thị trường trong phiên 29/11. Chốt phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 16 xu Mỹ (0,2%) xuống mức 83,03 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 96 xu Mỹ (1,2%) lên 78,20 USD/thùng.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên 30/11, sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm đáng kể. Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 1/2023 tăng 2,35 USD (hay 3%) và chốt phiên ở mức 80,55 USD/thùng tại New York. Giá dầu Brent giao cùng kỳ tăng 2,4 USD, hay 2,9%, chốt phiên ở mức 85,43 USD/thùng tại London.

Sang phiên 1/12, giá dầu thế giới lại giao dịch ngược chiều nhau khi đồng USD suy yếu và hy vọng nhu cầu nhiên liệu cải thiện tại Trung Quốc sau khi hai thành phố lớn của nước này nới lỏng các hạn chế COVID-19. Giá dầu Brent biển Bắc giảm 9 xu Mỹ xuống 86,88 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 7 xu Mỹ lên 81,22 USD/thùng.

Dù giảm 1,5% trong phiên cuối tuần 2/12, giá dầu Brent và WTI vẫn lần lượt tăng khoảng 2,5% và 5% trong cả tuần qua, chấm dứt chuỗi giảm ba tuần liên tiếp.

Sau động thái của G7 áp giá trần lên dầu nhập khẩu từ Nga, thị trường sẽ dành nhiều sự chú ý vào cuộc họp của OPEC+ vào Chủ nhật này. Nhiều nhà phân tích dự kiến OPEC+ sẽ duy trì sản lượng ổn định, trong bối cảnh không chắc chắn về việc lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga bắt đầu từ ngày 5/12 sẽ ảnh hưởng đến thị trường ra sao.

Bà Barbara Lambrecht, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank (Đức), cho biết trong một lưu ý rằng khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU sớm có hiệu lực từ thứ Hai tuần sau, OPEC+ khó có khả năng thực hiện thêm bất kỳ biện pháp điều chỉnh sản lượng nào vào Chủ nhật này.

Đưa ra quan điểm tương tự, quản lý cấp cao Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ) cho hay còn quá sớm để OPEC+ thực hiện một đợt cắt giảm sản lượng khác. Vì chính đợt cắt giảm hiện tại vẫn đang dần được triển khai, đặc biệt khi Trung Quốc đã bắt đầu xoay trục chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của nước này.

Một tín hiệu lạc quan cho thị trường năng lượng là các nguồn thạo tin cho hay Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị công bố nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt trong vài ngày tới. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách ở thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, mặc dù giới phân tích cảnh báo vẫn sẽ cần thêm vài tháng nữa nền kinh tế này mới có thể mở cửa một cách đáng kể.

Trong khi OPEC+ được cho là sẽ vẫn tuân theo kế hoạch giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng mỗi ngày, một số nhà phân tích tin rằng giá dầu thô có thể giảm nếu khối này không cắt giảm thêm sản lượng.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Price Futures (Mỹ) cho biết giới giao dịch sẽ do dự trong việc bán bớt dầu, nếu ngày càng có nhiều tin đồn rằng OPEC có thể cố gắng gây sốc cho thị trường tại cuộc họp cuối tuần này.

Nhà phân tích Craig Erlam của công ty dịch vụ tài chính Oanda (Mỹ) nhận định dầu thô mang nhiều rủi ro hơn trong cuối tuần và có thể biến động cực lớn khi mở cửa vào tuần tới./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
71.18 +1.08 (+1.54%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả