Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn tiền nhàn rỗi trong dân cư
Theo các chuyên gia chứng khoán, áp lực lạm phát tăng, nhưng không đáng ngại và bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn đối với dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Không đáng ngại áp lực lạm phát
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 0,89% so với cùng kỳ và lạm phát lõi tăng 0,74%.
Nhìn theo dữ liệu tháng, CPI tháng 4 tăng 2,74% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất theo tháng kể từ tháng 9/2020. Lạm phát theo tháng tăng mạnh trong tháng 4 phản ánh rõ nhất xu hướng tăng của giá xăng dầu trong nước, trong khi đó, xu hướng tăng giá của các hàng hóa khác như vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi đều chưa phản ánh rõ vào diễn biến lạm phát.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Mirae Asset Việt Nam cho rằng, xu hướng giá các loại hàng hóa cơ bản sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021 nhờ sự phục hồi từ phía cầu. Theo đó, một số ngành sẽ bị tác động tiêu cực như ngành nhựa, vận tải... do giá đầu vào tăng nhanh. Ngược lại, một số ngành sẽ được hưởng lợi như đường, cao su, phân bón, thép…
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, xu hướng giá các loại hàng hóa cơ bản sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021 nhờ sự phục hồi từ phía cầu
Nhu cầu sản xuất kinh doanh phục hồi khiến giá hàng hóa cơ bản và giá dầu tăng nhanh sẽ khiến lạm phát tiếp tục gia tăng trong nữa cuối năm 2021. Tuy vây, Mirae Asset vẫn giữ kỳ vọng lạm phát sẽ xoay quanh mức 4% trong năm 2021 nhờ chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Thêm vào đó, nhóm văn hóa, giải trí, du lịch phục hồi chậm.
Về sự khác biệt của tác động lạm phát lần này so với trong quá khứ, ông Trần Hoàng Thế Kiệt, chuyên viên phân tích cao cấp CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhìn nhận, việc tăng giá mạnh của giá hàng hóa cơ bản thế giới sẽ khiến Việt Nam phải đối diện với lạm phát do chi phí đẩy. Tuy nhiên, áp lực này phần nào sẽ được giảm nhẹ bởi hai yếu tố.
Thứ nhất, việc gia tăng nguồn cung thực phẩm trong nước có thể giúp kiềm hãm đà tăng của giá thực phẩm, vốn có tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI.
Thứ hai, lạm phát do chi phí đẩy sẽ không thực sự nguy hiểm khi cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm.
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đối diện với hai lần lạm phát tăng cao giai đoạn 2007 - 2008 và 2011 - 2012. Sau thời điểm đó, lạm phát đi vào quỹ đạo giảm dần qua các năm và thời gian qua đều được Chính phủ kiểm soát khá tốt gắn với nền tảng ổn định vĩ mô.
Ông Kiệt cho rằng, diễn biến lạm phát trong quá khứ có nguyên nhân tổng hòa từ nhiều yếu tố, nhưng nổi rõ lên nhất là lạm phát do yếu tố cung tiền tăng mạnh.
Hiện tại, ông Kiệt cho rằng, bài học quá khứ giúp Chính phủ thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ thông qua thông điệp mới nhất là kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Năm 2020, cung tiền M2 tăng trưởng khoảng 13,3% trong khi tăng trưởng tín dụng khoảng 12,2%. Tính đến giữa tháng 4/2021, cung tiền M2 tăng trưởng chậm hơn tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, vòng quay tiền chậm cho thấy rủi ro lạm phát do cung tiền và cầu kéo chưa hiện hữu ít nhất trong vài tháng tới.
Năm 2021, Rồng Việt ước tính, lạm phát bình quân khoảng 3,5% sau khi cân nhắc các yếu tố tác động đến lạm phát. Với kịch bản này, rủi ro lạm phát đến tỷ giá, lãi suất là không đáng kể, đồng thời chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng được duy trì để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh còn hiện hữu.
Thực tế diễn ra trong năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, cũng như chi tiêu tiêu dùng bị cắt giảm… đã khiến giá hàng hóa sụt giảm mạnh, lạm phát thấp (thậm chí giảm phát ở nhiều quốc gia).
“Kịch bản chỉ số lạm phát gia tăng trong năm 2021 nằm trong dự báo của chúng tôi do so sánh với mức thấp của năm 2020 và sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Hay nói cách khác, do tăng trưởng kinh tế, nên gia tăng lạm phát trong năm 2021 không phải là điều đáng lo ngại”, ông Minh nói.
Do lạm phát nằm vẫn trong mục tiêu kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, Mirae Asset cho rằng, khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành là thấp. Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ cho nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
Về tỷ giá, Mirae Asset giữ kỳ vọng VND sẽ tăng giá trong biên độ quanh 0,5% so với USD trong năm 2021 do kỳ vọng thặng dư thương mại, tăng dự trữ ngoại hối, cùng như dòng vốn FDI tiếp tục tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và đồng USD dự báo sẽ không mạnh lên do các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, cũng như chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Fed cũng giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Bên cạnh đó, vào giữa tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Tác động ra sao tới thị trường chứng khoán?
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa lạm phát và giá chứng khoán như Boyd và ctg (2001), Fama (1981), Fama và Schwert (1977), Gan và ctg (2006), Geske, Roll (1983), Kim (2003), Mukherjee và Naka (1995), Nelson (1976).
Ở Việt Nam, các tác giả Nguyễn Minh Kiều và Nguyễn Văn Điệp (2013); Nguyễn Hữu Tuấn (2011) cùng thực hiện nghiên cứu tương tự và kết quả nghiên cứu cũng thống nhất với các nghiên cứu ở các quốc gia khác.
Ông Minh dẫn lời các tác giả này lập luận, khi lạm phát gia tăng, với chi phí đầu vào sẽ cao hơn, doanh thu và lợi nhuận công ty sẽ bị giảm nếu giá đầu ra tăng với tốc độ thấp hơn. Mặt khác, chính sách thắt chặt tiền tệ có thể được ban hành để kiềm chế lạm phát, từ đó, lãi suất phi rủi ro bị tác động tăng lên, kéo theo hậu quả là thị trường chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, ông Minh lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán với các quan điểm, bao gồm với kỳ vọng lạm phát tăng, trong khi lãi suất huy động của ngân hàng được kỳ vọng không tăng, thị trường chứng khoán sẽ càng hấp dẫn đối với nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Hơn nữa, theo phân tích trên, lạm phát tăng phản ánh tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh và phục hồi từ phía cầu. Hay nói cách khác, đây là giai đoạn doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sau dịch, lợi nhuận được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trên thực tế, tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong quý 1 năm nay đã tăng 95% so với cùng kỳ.
"Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng EPS cả năm lên mức 28% từ mức 20% hồi đầu năm. Ngoài ra, khi lạm phát tăng, kênh đầu tư trái phiếu cũng trở nên không hấp dẫn. Dòng tiền cũng được kỳ vọng sẽ chuyển hướng sang thị trường chứng khoán", ông Minh đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận