Thị trường chứng khoán: Triển vọng tích cực trong trung và dài hạn
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết, năm 2021 là một năm đặc biệt với thị trường chứng khoán (TTCK), khi thị trường đã thích ứng và chuyển nhanh sang trạng thái bình thường mới. Những dấu ấn tăng trưởng trong năm qua sẽ là những tiền đề quan trọng để thị trường phát triển mạnh hơn theo chiều sâu, tăng chất lượng và tính bền vững trong năm 2022.
Vượt qua đại dịch
Theo ông Trần Văn Dũng, năm 2021 là một năm đặc biệt đối với TTCK. Đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của kinh tế - xã hội và TTCK cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, cả thị trường đã phải thích ứng linh hoạt và chuyển nhanh sang trạng thái bình thường mới, mọi hoạt động của thị trường đều được bảo đảm; thậm chí kịch bản trụ sở của các sở giao dịch và thành viên bị phong tỏa cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.
“Có thể nói rằng thị trường năm 2021 đã rất thành công, sang năm 2022 và những năm tiếp theo chúng ta sẽ tập trung phát triển TTCK theo hướng bền vững và khẳng định là một kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế như Nghị quyết của Đảng đã nêu. Để đạt được điều đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sẽ tập trung vào nhiều giải pháp quan trọng”, ông Trần Văn Dũng cho biết.
Trước hết, về quan điểm, theo Chủ tịch UBCKNN sẽ phát triển TTCK hướng tới mục tiêu dài hạn và bền vững, vừa phát triển về mặt quy mô nhưng phải đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng và sự bền vững. Tinh thần dài hạn, bền vững và minh bạch cũng đã được thể hiện trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, năm 2022, chúng ta sẽ triển khai các giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở GDCK Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt và đã được thể hiện trong thông tư của Bộ Tài chính.
Một điểm quan trọng, trong năm 2022, Bộ Tài chính, UBCKNN quyết tâm xây dựng và khai trương thị trường trái phiếu giao dịch riêng lẻ. Đây là thị trường rất là tiềm năng nhưng cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm thiểu các rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam. Cũng trong năm 2022, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đây là yếu tố rất là quan trọng để bảo đảm cho thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật, từ đó giữ và củng cố được lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường.
Triển vọng tươi sáng
Nhận định triển vọng thị trường thời gian tới, Chủ tịch UBCKNN cho rằng, TTCK vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những diễn biến khó lường, tuy nhiên cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Chính phủ đã và đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để kiểm soát dịch bệnh, cũng như kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế được triển khai 2022 - 2023 sẽ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, phát triển. Cùng với đó, năm 2022, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì ở mức thấp, vì vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Dư địa phát triển của TTCK vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cộng thêm tác động của các gói kích thích kinh tế và xu hướng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.
Dù có nhiều tín hiệu khả quan cho TTCK trong năm 2022, tuy nhiên chuyên gia cũng nhận định thời gian tới thị trường sẽ gặp không ít khó khăn, với áp lực lạm phát trong nước và thế giới tăng; những bất ổn địa chính trị thế giới sẽ tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã, đang áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho TTCK.
Về yếu tố nội tại của TTCK Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN cho rằng, đến nay TTCK đã tích lũy được thành quả về cả “lượng và chất”, tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài. Do đó, với những yếu tố khách quan hỗ trợ và bản thân nội lực, TTCK trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực. "Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch; đồng thời, chúng tôi cũng rất mong các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro", ông Trần Văn Dũng chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận