Thị trường chứng khoán thường diễn biến ra sao khi Fed giảm lãi suất
Với kịch bản cơ sở nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, hướng đi giảm lãi suất của Fed được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán có những phản ứng tích cực.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Họ quyết định khởi đầu quyết liệt với mức giảm 50 điểm cơ bản trong nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm trên thị trường lao động.
Quyết định hạ lãi suất chuẩn này đưa phạm vi lãi suất xuống mức 4,75% - 5%, không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vay ngắn hạn của ngân hàng mà còn tác động lan toả tới nhiều sản phẩm tiêu dùng như lãi suất vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng.
Đây cũng là quyết định cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Fed vì tại cuộc họp báo tháng 7, Chủ tịch Fed JeromePowell còn cho rằng việc cắt giảm 50 điểm cơ bản "không phải là điều chúng tôi đang nghĩ đến ngay lúc này".
Ngoài quyết định cắt giảm, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed cũng phát tín hiệu sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản nữa vào cuối năm nay. Các quan chức dự kiến có thể cắt giảm 1% trong các đợt nới lỏng vào cuối năm 2025 và 0,5% vào năm 2026.
Trrước đó, trong báo cáo phát hành ngày 18/9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tác động của việc hạ lãi suất quỹ Fed đối với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng giống nhau. Qua thống kê, đơn vị phân tích phân loại thành hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, từ năm 1982-2000, thị trường tăng khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái (1981-1983, 1991), hoặc thúc đẩy thêm nền kinh tế để giảm nguy cơ suy thoái (1995-1996), hoặc thậm chí là giảm bớt sự lây lan có thể xảy ra từ cuộc khủng hoảng tài chính bên ngoài (1985-1986, 1998).
Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất trong thời kỳ suy thoái, một loại khác gọi là cắt giảm "bảo hiểm" hoặc "điều chỉnh giữa chu kỳ" (hạ lãi suất vào giữa chu kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt) cũng đã xảy ra vào năm 2019. Khi đó, thị trường chứng khoán phản ứng tích cực với động thái điều hành này.
Trường hợp thứ hai, khi Fed hạ lãi suất nhanh và đột ngột (như trong các cuộc họp FOMC không theo lịch trình) để chống lại suy thoái ở Hoa Kỳ do cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 2000, cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất dẫn đến sự đổ vỡ của thị trường tài chính (năm 2007) và sự kiện "thiên nga đen" mới đây như Covid-19 (năm 2020).
Khi đó, thị trường đã nhanh chóng lao dốc. Những đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp đó và quy mô của chúng đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ, khiến họ phản ứng mạnh mẽ hơn. Thị trường chỉ phục hồi khi tác động của quá trình nới lỏng định lượng (QE) bắt đầu lan tỏa.
Với kịch bản cơ sở nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, VDSC cho rằng hướng đi lãi suất của Fed sẽ phù hợp với trường hợp thứ nhất và thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng tích cực.
Diễn biến SP500 trước và sau 12 tháng kể từ thời điểm Fed cắt giảm lãi suất lần đầu. Nguồn: VDSC
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, trong 24 năm hoạt động thì đã trải qua 2 chu kỳ Fed cắt giảm lãi suất. Hai lần đó đều rơi vào các trường hợp liên quan đến một cuộc khủng hoảng. Theo tính toán của VDSC, mức độ tương quan giữa VN-Index và SP500 đạt mức dương 0,6. Điều này hàm ý một kịch bản hạ lãi suất vừa phải để đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm có thể gián tiếp tác động tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đơn vị phân tích, trong chu kỳ cắt giảm lãi suất, cơ chế dẫn truyền tác động lên các thị trường cận biên và mới nổi đến từ việc đồng USD sẽ có xu hướng yếu hơn so với quá khứ, do hiệu ứng chênh lệch lãi suất với các cặp tiền khác thu hẹp lại và lãi suất thấp sẽ làm giảm bớt đi sự hấp dẫn của đồng USD. Khi đó, dòng tiền neo trú bằng đồng USD có xu hướng tái phân bổ lại các tài sản có mức rủi ro và kỳ vọng sinh lợi cao hơn trong đó bao gồm tài sản chứng khoán ở các thị trường cận biên và mới nổi.
Diễn biến VN-Index trước và sau 12 tháng kể từ thời điểm Fed cắt giảm lãi suất lần đầu. Nguồn: VDSC
VDSC cũng nhận thấy rằng, xu hướng bán ròng ở khu vực Đông Nam Á đang dịu lại và có tín hiệu mua ròng đáng kể ở một số thị trường trước thềm cuộc họp FOMC tháng 9.
VDSC kỳ vọng sự luân chuyển dòng vốn này sẽ tác động tích cực thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ là xu hướng chung trong chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed cũng như các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận