Thị trường chứng khoán “miễn nhiễm” với Covid
Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở trong nước đang hiện hữu, nhưng dường như không tác động nhiều đến diễn biến thị trường chứng khoán.
Tháng 5: Chứng khoán vẫn được hỗ trợ
Anh N. V Khoa, nhà đầu tư tại Hà Nội nhìn nhận, đây không phải là lần đầu thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt với sự kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
“Nhìn lại các sự kiện trước cũng giúp chúng ta rút ra nhiều bài học cho sự kiện lần này. Thị trường đang tạo cơ hội cho dòng tiền mới tham gia, miễn là mặt bằng lãi suất, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp. Việc đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng có thể khiến dòng tiền tiếp tục chảy vào các kênh tài sản có thanh khoản cao như chứng khoán”, anh Khoa nói.
Giới chuyên gia phân tích cũng có góc nhìn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán, dù thông tin cập nhật về số ca nhiễm Covid-19 cho thấy số ca bệnh đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu nhưng dường như không hề ảnh hưởng đến xu hướng tăng điểm trong ngắn và trung hạn tại các thị trường chứng khoán, thị trường Việt Nam không là ngoại lệ.
Do đó, với đợt bùng phát dịch lần này, tâm lý nhà đầu tư cũng đã ổn định hơn nhiều và hiện tượng bán tháo cũng không còn diễn ra.
Theo ông Hoàng, mặt bằng lãi suất huy động thấp - yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán năm 2020 - sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021 nên vẫn có lý do để kỳ vọng vào một xu hướng tăng của thị trường chứng khoán trong trung hạn. Tuy nhiên, do dư địa để giảm thêm của mặt bằng lãi suất nhìn chung không còn nhiều, nên thị trường sẽ khó có mức tăng như giai đoạn sau khi VN-Index tạo đáy vào tháng 4/2020.
Nhìn nhận diễn biến dịch Covid-19 là vấn đề đáng quan tâm nhất vào thời điểm này, song ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, trong kịch bản lạc quan, việc khống chế được các chuỗi lây nhiễm trong nước sẽ tạo tác động tích cực đến tâm lý giới đầu tư, góp phần loại bỏ nỗi ám ảnh về quy luật “Bán tháng 5 và đi chơi”.
Trong kịch bản lạc quan, việc khống chế được các chuỗi lây nhiễm trong nước sẽ tạo tác động tích cực đến tâm lý giới đầu tư, góp phần loại bỏ nỗi ám ảnh về hiện tượng “Sell in May and go away”.Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank
Nhà đầu tư cũng có thể nhìn vào những tín hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô để có thêm niềm tin vào đà tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý I/2021 vẫn đạt 4,45% phù hợp với kế hoạch tăng trưởng năm 2021 của Chính phủ. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì đà hồi phục mạnh với chỉ số công nghiệp IIP trong 4 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, chỉ số PMI đạt 54,7 điểm vào tháng 4/2021, mức cao nhất tính từ tháng 11/2018. Lạm phát tiếp tục được khống chế hiệu quả, với chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Đóng góp vào các kết quả tích cực trên là mức giải ngân đầu tư công kỷ lục của Chính phủ, với giá trị 98.700 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, đạt 21,5% kế hoạch năm.
Trên thực tế, dịch bệnh không phải yếu tố mang tính quyết định về xu hướng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.
Nhiều yếu tố khác đóng vai trò tác động lớn hơn cho xu hướng của chỉ số như việc dòng tiền mới có được tiếp tục bơm vào thị trường không, hay ảnh hưởng từ diễn biến của chứng khoán thế giới.
Ngoài ra, sự kỳ vọng sinh lời của giới đầu cơ vào kênh chứng khoán khi mà nền kinh tế còn được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn ít nhất là hết năm nay là yếu tố đáng lưu tâm.
So với nhịp điều chỉnh từ cuối tháng 1, đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 250 điểm. Chuỗi tăng này khá bền vững và được sự góp sức của nhiều nhóm cổ phiếu, từ ngân hàng, dầu khí, bất động sản, thép…
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank cho rằng, dù thị trường chứng khoán vẫn đang được ủng hộ bởi dòng tiền mới nhưng hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã xuất hiện khá thường xuyên, điều này đồng nghĩa với việc lướt sóng ngắn hạn trong thời gian qua đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Dù chỉ số VN-Index đang trong xu thế tăng, nhưng rủi ro lướt sóng ngắn hạn đã và đang hình thành có thể ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá thực tế của cổ phiếu.
“Top down” hay “bottom up”?
Trong hai tuần giao dịch vừa qua, các nhà đầu tư cũng phần nào tin tưởng về khả năng hồi phục khá chắc của thị trường khi VN-Index tăng điểm nhờ “công gánh team” của nhóm cổ phiếu VN30. Trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hay nhóm cổ phiếu đầu cơ đã điều chỉnh mạnh và tạo đáy thì nhóm VN30 vẫn đang có những phản ứng khá tích cực.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, nhà đầu tư hiện nay vẫn hay nhầm lẫn hoặc không biết là nên theo chiến lược nào, “Top down” hay “bottom up”, nghĩa là nên nghiên cứu tình hình vĩ mô, các thông tin hỗ trợ các ngành nghề rồi mới đánh giá các cổ phiếu riêng lẻ hay là ngược lại.
Thống kê của VPS cho rằng, hiện tại có khoảng 70 - 80% số nhà đầu tư lựa chọn phong cách đầu tiên và bỏ lỡ khá nhiều cơ hội khi không nghiên cứu hết các doanh nghiệp triển vọng.
“Thay vì cố gắng dự báo thị trường sẽ đi về đâu, nhà đầu tư nên tiến hành chiến lược bottom up để sàng lọc các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư giá trị”, ông Khánh nói.
Còn theo ông Trần Minh Hoàng, vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư và tích lũy các cổ phiếu tốt trên thị trường chứng khoán tại thời điểm này.
Một số nhóm ngành được VCBS gợi ý là sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá); điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện); sản xuất sản phẩm nông nghiệp; cảng biển – logistics.
Ngoài ra là các doanh nghiệp có yếu tố ứng dụng công nghệ mới, nhóm doanh nghiệp có “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn…
Cơ hội trên thị trường luôn hiện hữu. Tuy vậy, theo ông Hoàng, thị trường đang có sự phân hóa khá mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỹ năng đánh giá triển vọng của từng ngành và doanh nghiệp cụ thể trước khi tiến hành giải ngân. Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang có sức nặng nhất định với thị trường và càng lọt vào nhóm đáng đầu tư nếu theo phương pháp “bottom up”.
Thống kê của ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, trong Top 20 doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nhất trong quý I/2021, có sự đóng góp của 12 ngân hàng. Cùng với kỳ vọng tăng trưởng tốt từ quá trình phục hồi kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 được dự báo quay trở về mức trước đại dịch giúp thu nhập lãi thuần tăng mạnh, hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh nhờ các hợp đồng bancassurance và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng được gỡ bỏ một phần nhờ Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước là các động lực tăng trưởng chính cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietinbank lại cho rằng, với việc tiến hành giải ngân đầu tư công tiếp tục là trọng tâm trong mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành thép, nhựa đường, xi măng, đá, xây dựng hạ tầng tiếp tục kinh doanh thuận lợi trong năm Covid thứ hai.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, đà tăng của thị trường được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các gói kích cầu quy mô lớn cũng như mặt bằng lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế tích cực cũng là yếu tố không nhỏ thu hút dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán. Ở thời điểm hiện tại, các yếu tố hỗ trợ này vẫn đang được duy trì, củng cố triển vọng khả quan của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2021
Theo bà Hiền, xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì trong quý II/2021, đặc biệt khi so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái – thời điểm thực hiện giãn cách xã hội cả nước.
Đây sẽ là lực đỡ quan trọng cho thị trường trước rủi ro điều chỉnh cũng như kéo mặt bằng định giá về mức hấp dẫn hơn, qua đó tiếp tục thu hút dòng tiền mới tham gia vào thị trường chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận