Thị trường chứng khoán lao dốc
Nhịp giảm sâu lần này được các công ty chứng khoán cho rằng đã làm xu hướng ngắn hạn và trung hạn trở nên tiêu cực. Rủi ro call margin đối với những tài khoản có tỷ lệ nợ vay cao đang hiện hữu, dẫn đến nguy cơ thị trường biến động mạnh trong tuần tới.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn hầu hết đều diễn biến tiêu cực ngay từ khi mở cửa thị trường. Đến cuối phiên, ngoại trừ một số cổ phiếu MSN, NVL, VJC, MWG còn giữ được sắc xanh, hầu hết các cổ phiếu đều giảm mạnh, thậm chí các cổ phiếu ngân hàng như CTG, VPB, ACB, OCB... còn giảm sàn.
Thị trường chứng khoán bắt đầu những phiêm lao dốc từ tuần trước sau khi Tổng cụ thống kê công bố tăng trưởng GDP nửa đầu năm đạt 5,64%. Tuần vừa qua được xem là tuần tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay khi VN Index mất hơn 5% với 4 phiên giảm và chỉ có 1 phiên hồi.
So với các chỉ số chứng khoán khu vực, VN Index đứng đầu danh sách những chỉ số diễn biến tiêu cực, xếp trên các chỉ số đại diện cho thị trường Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, theo IndexQ.
Ngân hàng – nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số từ đầu năm đến nay cũng là nhóm giảm điểm mạnh nhất trong đợt điều chỉnh này. Trong phiên giao dịch ngày 12/7, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, với mức giảm từ 5 – 7% như cổ phiếu VPB, CTG, TCB, TPB.
Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh sau những thông tin tiêu cực về làn sóng Covid-19 thứ tư tại Việt Nam. Đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay bùng phát trong cộng đồng, khiến TPHCM – trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam ảnh hưởng nặng nề. Việc các ca nhiễm mỗi ngày liên tục phá kỷ lục khiến TP.HCM phải tiến hành giãn cách xã hội trên diện rộng, đồng thời làm chậm lại các dự báo về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.
Mặc dù thị trường giảm sâu, thị trường vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực khi thanh khoản không giảm mà lại tăng mạnh trong phiên hôm nay. 10 phút trước phiên ATC, VN Index đã thu hẹp biên độ giảm từ 75 điểm còn 53 điểm nhờ dòng tiền chảy mạnh vào thị trường để bắt đáy.
Giao dịch khối ngoại cũng cho thấy dấu hiệu tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 1.300 tỷ đồng trong phiên hôm nay. HPG là cổ phiếu được gom nhiều nhất nên từ giảm sàn đã thu hẹp còn giảm 4,97%.
Trong tuần trước đó, khối ngoại cũng liên tục mua ròng. Nhóm này mua vào hơn 11.350 tỷ đồng các chứng khoán trên sàn TP.HCM và bán ra khoảng 9.000 tỷ đồng, tương ứng giá trị mua ròng hơn 2.350 tỷ đồng. MBB là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với trên 800 tỷ đồng, tiếp đến là VHM và HPG.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài và thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ và lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động kinh tế trầm trọng hơn.
Mặc dù vậy, nhịp giảm sâu lần này được các công ty chứng khoán cho rằng đã làm xu hướng ngắn hạn và trung hạn trở nên tiêu cực. Đợt điều chỉnh sâu có thể còn kéo dài và rủi ro call margin đối với những tài khoản có tỷ lệ nợ vay cao đang hiện hữu, dẫn đến nguy cơ thị trường biến động mạnh trong tuần tới.
Hầu hết công ty chứng khoán đều khuyến nghị việc cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm tỷ lệ vay nợ và đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp. Cơ hội bắt đáy là có, nhưng chỉ nên ưu tiên mua hàng trong danh mục có sẵn để chủ động quản lý tỷ trọng.
Về triển vọng trung và dài hạn, các công ty chứng khoán vẫn đặt niềm tin thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, chỉ số VN Index có thể đạt 1.450 điểm vào cuối năm 2021 và 1.600 điểm vào năm 2022, tương đương PE toàn thị trường vào cuối năm 2021 sẽ ở mức 14,3 lần, cao hơn so với mức bình quân 14 lần từ năm 2013 đến nay.
Giả định của VCSC dự trên tăng trưởng GDP và lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng như lãi suất ngân hàng ở mức thấp nhiều năm cũng là những yếu tố sẽ tác động tích cực lên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận