24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Kiều Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng sớm có giải pháp vượt khó

Trong bối cảnh khó khăn, các thành viên thị trường đang trông chờ vào sự hỗ trợ, giải pháp giúp vượt khó từ nhà quản lý.

Theo phân công mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người vừa nhận nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo, điều hành khối kinh tế tổng hợp, trong đó có thị trường vốn, TTCK. Diễn biến này tạo nên kỳ vọng TTCK sẽ sớm có những giải pháp mang tính chiến lược, bao trùm, trực diện và nhanh hơn, quyết liệt hơn để vượt khó vươn lên.

Thị trường chờ thông điệp chính sách 2020

TTCK Việt Nam khởi đầu năm 2020 khá khả quan cho đến trước khi dịch Covid-19 lan rộng, bắt đầu từ 2 phiên cuối cùng của tháng 1/2020. Hệ quả là TTCK giảm điểm sâu, thanh khoản suy giảm nhiều phiên. Dịch bệnh nếu không được kiểm soát sớm sẽ đe dọa làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, cũng đương nhiên tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Đây là những khó khăn mới đang đặt ra với TTCK.

Bối cảnh mới, khó khăn mới là vậy, nhưng đến nay đường hướng triển khai các giải pháp điều hành, cũng như các sản phẩm, dịch vụ mới trong năm 2020 cho TTCK chưa có gì mới, khiến cho ý kiến từ thị trường thể hiện sự sốt ruột với thông điệp từ nhà quản lý.

Theo thông lệ những năm gần đây, sau Tết âm lịch, thậm chí có năm là trước Tết âm lịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức hội nghị triển khai công tác điều hành, quản lý thị trường cho năm mới. Tuy nhiên, năm nay, chưa có cuộc họp như vậy, mà lý do theo đại diện UBCK là vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Chúng tôi trông đợi hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK trong năm 2020 sớm diễn ra, để phần nào hình dung được các giải pháp lớn, các nhiệm vụ trọng tâm mà cơ quan quản lý, các thành viên thị trường sẽ phối hợp triển khai trong một năm. Qua đó, giúp chúng tôi chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch tham gia thị trường…”, phó chủ tịch hội đồng quản trị một công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, bối cảnh càng khó khăn, các thành viên càng trông chờ sự trao đổi thông tin từ nhà quản lý. Nhiều vấn đề, câu hỏi đang chờ đợi được giải đáp từ nhà quản lý.

Đầu tiên, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế dự báo suy giảm, đâu là giải pháp điều hành TTCK để không chỉ giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng dịch bệnh, mà còn duy trì được sự phát triển lành mạnh của thị trường?

Trên thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến tiêu cực, chưa có giải pháp nào mang tính ứng phó, thích ứng với dịch bệnh được nhà quản lý công khai ra thị trường. Việc hạn chế tập trung đông người có thể khiến cho hội nghị ngành chậm được tổ chức, nhưng các giải pháp, nhiệm vụ lớn trong năm vẫn có thể đến với thành viên theo nhiều cách.

Chẳng hạn, ngoài hình thức họp trực tuyến, Bộ Tài chính, UBCK cần sớm công khai các nhiệm vụ, giải pháp điều hành năm nay qua nhiều kênh thông tin để vừa giúp các thành viên thị trường nắm bắt, để vừa ghi nhận ý kiến góp ý từ các bên tham gia thị trường, trên cơ sở đó hoàn thiện giải pháp chỉ đạo, điều hành thị trường về đích 2020.

Giải pháp từng được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020 là hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới, kết nối toàn TTCK, liệu có thể hoàn tất khi nào? Cùng với đó, sau thời gian trì hoãn, năm nay liệu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp, công ty định mức tín nhiệm… có được hình thành hay không?

Bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày, hay quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện liệu có được triển khai trong năm 2020? Bộ Tài chính, UBCK có giải pháp gì để năm 2020 thành công trong nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi sau nhiều năm phấn đấu?

Một vấn đề “nóng” nữa mà các thành viên thị trường muốn được lắng nghe từ nhà quản lý là tiến trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán. Các phiên bản đầu tiên của hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán bao giờ sẽ được công khai để lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường? Do số lượng văn bản lớn (4 nghị định và trên 10 thông tư), Bộ Tài chính, UBCK cần lấy kiến theo hình thức phân tách theo các mốc thời gian khác nhau, tránh cùng một thời điểm công khai nhiều văn bản, vừa khiến cho việc công khai các dự thảo chậm, vừa dễ làm cho các ý kiến đóng góp khó sâu sắc và kỹ lưỡng...

Kỳ vọng mới

Ngày 7/2 vừa qua, sau khi Bộ Chính trị phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, công tác điều hành của Thường trực Chính phủ đã được sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu chỉ đạo từ thực tiễn. Theo đó, đáng chú ý là tại Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 11/2/2020 sửa đổi Quyết định 1527/QĐ-TTg ngày 1/8/2016 về phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng có nội dung, Thủ tướng thay ông Vương Đình Huệ đảm trách việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành Khối kinh tế tổng hợp gồm: kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Cụ thể, Thủ tướng theo dõi và chỉ đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia…

Sự phân công trên cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với tầm quan trọng của Khối kinh tế tổng hợp nói chung, thị trường vốn, TTCK nói riêng trong tổng thể các giải pháp điều hành phát triển nền kinh tế của Chính phủ.

Sự phân công trong Chính phủ mang lại kỳ vọng về một đường hướng mới trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đối với sự phát triển TTCK trong thời gian tới. Năm 2020 là năm TTCK tròn 20 năm phát triển, vị thế và vai trò của thị trường cần được khẳng định rõ nét trong nền kinh tế cũng như trên trường quốc tế.

Trong Đề án tái cấu trúc TTCK và thị trường bảo hiểm ban hành đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu năm 2020 tăng quy mô thị trường cổ phiếu lên 100% GDP, thị trường trái phiếu lên 47% GDP, số nhà đầu tư trên TTCK lên 3% dân số, đồng thời đổi mới toàn diện công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ trên TTCK… Đây cũng là năm nhiều chính sách mới được định hình, cần tầm nhìn và sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ để thúc đẩy thị trường lên nấc thang cao hơn.

Tháng 1/2020, vốn ngoại vẫn diễn biến tích cực khi mua ròng trên cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu. Theo đó, nhà đầu tư ngoại mua ròng 1.957 tỷ đồng trên cả thị trường cổ phiếu niêm yết lẫn đăng ký giao dịch. Cùng với đó, nhà đầu tư ngoại mua ròng 755 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Như vậy, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng 1/2020 là 2.713 tỷ đồng. Trong năm 2019, nhà đầu tư ngoại mua ròng 20.184 tỷ đồng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả