Thị trường chứng khoán: Khoan lo chuyện dội cung
Những khó khăn trong việc cấp phép phát hành chào bán chứng khoán ra công chúng theo các quy định mới có thể khiến việc phát hành thêm của các doanh nghiệp không suôn sẻ trong năm nay.
Giám đốc tài chính một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ, việc hoàn thiện các thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp khó khăn hơn trước đây rất nhiều.
Cụ thể, hiện nay, bộ hồ sơ của doanh nghiệp không chỉ qua cửa Vụ Chào bán chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà còn phải có ý kiến của Vụ Giám sát công ty đại chúng. Các nội dung doanh nghiệp cần bổ sung, nếu như trước đây được đưa ra hội đồng để trao đổi, thống nhất rồi thông báo cho doanh nghiệp làm luôn một đợt thì nay mỗi lúc doanh nghiệp lại nhận được yêu cầu mỗi khác.
Trao đổi phải thực hiện qua đường văn bản nên mất rất nhiều thời gian. Có những nội dung trước kia doanh nghiệp chỉ cần thực hiện giải trình bằng văn bản, cam kết thời gian khắc phục, nay doanh nghiệp được yêu cầu đánh công văn hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ năm 2021, doanh nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng sẽ phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán mới, được cho là chặt chẽ hơn.
Khách quan mà nói, các quy định siết lại việc phát hành ra công chúng là nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đơn cử như việc doanh nghiệp chỉ được phát hành tối đa tỷ lệ 1:1 trong một đợt phát hành, tránh tình trạng pha loãng ồ ạt như trước đây, có nhiều doanh nghiệp xin phát hành tỷ lệ 1:2, thậm chí cao hơn…
Nhiều nhà đầu tư từng bức xúc về việc có những doanh nghiệp tung rác lên sàn và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thanh lọc hàng hóa chất lượng cho thị trường. Tuy nhiên, việc thẩm định hồ sơ xin phát hành, như đại diện cơ quan quản lý từng chia sẻ ở một số phiên tòa xử lý các vụ việc hình sự liên quan đến lĩnh vực chứng khoán vừa qua, là không dễ: Hồ sơ của doanh nghiệp hợp lệ thì phải cho qua.
Bởi thế, ở thời điểm thị trường đang thuận lợi cho việc phát hành, huy động vốn qua thị trường chứng khoán như hiện nay, nhiều nhà đầu tư và cả doanh nghiệp cũng không cho rằng việc cấp phép phát hành được “làm kỹ, làm chặt” là nhằm bảo vệ nhà đầu tư.
Oái ăm ở chỗ, trong các quy định về cấp phép phát hành, không có quy định về thời gian cho việc trả lời hồ sơ của doanh nghiệp. Vì thế việc xin cấp phép nhanh hay chậm, doanh nghiệp rất khó tỏ tường. Đây cũng là yếu tố gây ra thắc mắc trong việc phê duyệt hồ sơ chào bán chứng khoán của doanh nghiệp.
Nhìn từ thực tế có thể thấy, việc phát hành ra công chúng của doanh nghiệp năm nay không đơn giản. Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, chưa có một đợt phát hành nào được cấp phép theo các quy định mới. Các đợt phát hành thực hiện trong quý I năm nay đều có hồ sơ xin chào bán từ năm 2020 và thực hiện theo các quy định cũ.
Năm 2021, các doanh nghiệp có nghị quyết đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn, sớm nhất là từ tháng 3 như VNDIRECT (là công ty chứng khoán chuyên đi tư vấn cho các doanh nghiệp - PV) cũng chưa có được giấy phép phát hành. Đại diện một công ty chứng khoán cho biết, hiện họ đang tắc vài bộ hồ sơ.
Tình cảnh hiện nay giống như năm 2015, doanh nghiệp rất khó huy động vốn qua thị trường chứng khoán, theo nhận xét của một cán bộ mảng tư vấn doanh nghiệp công ty chứng khoán. Các quy định mới của Luật Doanh nghiệp được triển khai chậm trễ khiến doanh nghiệp lỡ không ít cơ hội và mất nhiều công sức trong việc xin giấy phép chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết dự kiến phát hành thêm hơn 5 tỷ cổ phiếu để huy động khoảng 55.000 tỷ đồng từ thị trường chứng khoán. Không ít ý kiến lo ngại, thị trường sẽ dội cung từ nguồn phát hành thêm này. Song với thực tế hiện nay, có lẽ năm 2021 cung phát hành mới vẫn nhỏ giọt.
Thông thường, sau khi nhận giấy phép chào bán, nếu nhanh, doanh nghiệp sẽ mất khoảng 1 tháng để thông báo chốt quyền và nhận nộp tiền mua cổ phiếu mới của nhà đầu tư và khoảng 1 tháng để làm các thủ tục niêm yết cổ phiếu bổ sung. Như vậy, nếu mọi việc thuận lợi, doanh nghiệp cũng mất ít nhất 3 tháng cho việc chào bán chứng khoán; còn nếu không, có thể là nửa năm hoặc lâu hơn thế.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận