Thị trường chứng khoán giảm mạnh vẫn có thể xảy ra nhưng với một xác suất thấp
Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư được cho là nên đối mặt và sống chung với COVID-19, tập làm quen với những ca nhiễm tăng hàng ngày…
Sau những giai đoạn tăng mạnh từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào những nhịp điều chỉnh. So với tháng 6 thì tháng 7 thị trường chứng khoán chịu sự tác động của nhiều yếu tố hơn, bao gồm mùa kết quả kinh doanh quý II, việc review các quỹ ETFs và đại dịch COVID-19. Trong đó, đáng chú ý nhất là dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại ở Việt Nam, đặc biệt là tại Đà Nẵng.
Tổng kết tháng 7, VN-Index giảm hơn 26,7 điểm, một mức điểm không quá cao so với con số hơn 80 điểm hồi tháng 6. Tuy nhiên, tháng 7 lại kết thúc trong sự lo lắng nhiều hơn của nhà đầu tư khi dịch bệnh đang đe dọa đến sức khỏe, đời sống và cả nền kinh tế Việt Nam. Việc giãn cách xã hội một lần nữa lại được áp dụng ở một số địa phương để phòng chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cũng trở nên hoảng loạn hơn trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là những phiên giao dịch cuối tháng 7, thị trường chứng khoán diễn biến mạnh, nhà đầu tư tỏ ra dè chừng hơn đối với thị trường.
Phiên giao dịch 31.7, khi thông tin về 45 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 30.7 cũng như bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 tử vong với bệnh nền suy thận giai đoạn cuối tạo áp lực lên thị trường trong ngắn hạn khiến số mã giảm có phần áp đảo. Tuy nhiên, lực cầu có phần tích cực đã giúp giữ thị trường không giảm mạnh khi kết thúc. VN-Index mặc dù vẫn giảm điểm nhưng lực cầu có phần cải thiện giúp VN-Index phục hồi khá mạnh từ giá mở cửa. Kết phiên giao dịch 31.7, VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 2,47 điểm, lùi về mốc 798 điểm.
Từ giữa tháng 6, thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm dần và đa phần đều duy trì ở mức dưới trung bình 20 phiên gần nhất. Trong cả tháng 7, chỉ có 4 phiên giao dịch thanh khoản trên sàn HOSE vượt qua mức trung bình 20 phiên, các phiên còn lại đều duy trì ở mức khá thấp. Tính trung bình trong tháng 7, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt khoảng hơn 3.500 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đó quanh mức 4.500-6.000 tỉ đồng.
Theo nhận định của ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng thực chất thị trường chứng khoán đã có suy yếu từ vùng điểm 900 điểm, và kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 7, VN-Index đóng cửa quanh mức 798 điểm, tương ứng giảm khoảng 12,7%. Nhiều cổ phiếu bluechips cũng giảm nhiều, thậm chí có nhiều cổ phiếu đã xuyên thủng vùng đáy được xác lập hồi tháng 3.2020 khi VN-Index quanh ngưỡng 650 điểm.
Dựa trên những dữ liệu lịch sử từ đợt dịch 1, ông Tuấn cho rằng trong vòng khoảng 4-6 tuần, tức là cuối tháng 8 thì đợt dịch lần này sẽ được kiểm soát tốt và sẽ có một khoảng thời gian thẩm thấu vào thị trường. Chính phủ Việt Nam hiện tại đang thực hiện rất tốt việc khoanh vùng và dập dịch. Các đối tượng F0, F1 cũng sẽ nhanh chóng được khoanh vùng để tránh lây lan ra cộng đồng. Ông Tuấn cũng cho rằng xác suất đóng cửa nền kinh tế để chống dịch như tháng 4 là khá thấp.
Đối với thị trường chứng khoán, ông Tuấn cho rằng kịch bản thị trường chứng khoán giảm mạnh vẫn có thể xảy ra nhưng với một xác suất thấp. Theo ông Tuấn, chúng ta nên tập làm quen với các ca nhiễm tăng hằng ngày, sống chung với dịch bệnh, tăng cường vệ sinh, giữ khoảng cách, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và chờ tín hiệu từ vaccine.
Còn trên phương diện phân tích kỹ thuật, Mirae Asset cho rằng VN-Index vẫn duy trì được vùng giá hỗ trợ 780 điểm khi có phiên phục hồi khá tích cực với thanh khoản gia tăng tốt so với phiên trước. Xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn là giảm điểm và chỉ số này sẽ kiểm định lại ngưỡng cản 800 điểm trong những phiên tới. Mirae Asset cho rằng nếu vượt qua thành công ngưỡng 800 điểm này, VN-Index có khả năng đảo chiều xu hướng giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận