Thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô tích cực, nhưng công nghệ đang là trở ngại
Thị trường chứng khoán năm 2021 được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô tích cực nhưng vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, các nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn theo phong trào và hãy là nhà đầu tư thông thái.
Còn nhiều thách thức, nhưng kỳ vọng, năm 2021 sẽ mở ra vận hội phát triển mới
Tại hội thảo “Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021: Cơ hội và thách thức” do Câu lạc bộ Các nhà kinh tế phối hợp với Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) và Tập đoàn Green+ tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia đều nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng của châu Á nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung, với tốc độ tăng trưởng GDP trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 3%.
Với việc Chính phủ thực hiện đẩy mạnh đầu tư công, ban hành cơ chế chính sách thu hút làn sóng dịch chuyển FDI vào Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, rà soát điều chỉnh các gói kích thích kinh tế, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, đã góp phần quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Green+ cho rằng, mặc dù có nhiều cơ hội tốt, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 vẫn còn đối mặt với những khó khăn, rủi ro, trong đó đáng chú ý là diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới, nguy cơ từ rủi ro lạm phát, tỷ giá, sự chuyển hướng của dòng đầu tư sang các lĩnh vực khác…
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đánh giá, bước sang năm 2021, nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động sự phục hồi bấp bênh của các nước trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn và các xung đột thương mại giữa các nước lớn và những bất ổn trong địa chính trị.
Thị trường chứng khoán toàn cầu có những dấu hiệu cho sự tăng trưởng mới, khi mới đây chỉ số Dow Jones có mức tăng trưởng cao nhất mọi thời đại khi vượt trên 33.000 điểm. Đây là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường chứng khoán toàn cầu nói riêng.
Tại Việt Nam, nhiều dấu hiệu cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng thị trường sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020.
Xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ kênh tín dụng ngân hàng (có lợi suất thấp) sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và các tài sản có giá trị như vàng, bất động sản do tác động của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá nới lỏng - là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Sơn, dòng vốn nước ngoài có khả năng quay trở lại vào năm 2021 với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm 2021. Từ đầu tháng 12/2020, Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI.
Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 cũng rất lớn, đó là tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá khá chậm, ngoài yếu tố do thị trường chứng khoán hồi phục chậm, còn có yếu tố quan ngại, sợ rủi ro pháp lý liên quan đến bán tài sản nhà nước. Qua đó, làm chậm quá trình đưa doanh nghiệp lên sàn niêm yết để tạo sự minh bạch và huy động vốn phát triển.
Vấn đề nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại về pháp lý và chính sách cần nhiều thời gian để tháo gỡ. Ngoài ra, còn có rủi ro lan truyền từ các khu vực thị trường liên thông (bất động sản; ngoại hối; tiền kỹ thuật số...) gây nên những cơn sốt ảo về bất động sản, chứng khoán.
Một vấn đề thu hút sự quan tâm của thị trường hiện nay là hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường còn có những trợ ngại nhất định cho sự tăng trưởng của thị trường (hệ thống công nghệ thông tin nghẽn lệnh; chậm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống mới, qua đó cho phép đưa vào các nghiệp vụ mới như giao dịch trong ngày (day trading); bán chứng khoán chờ về; thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) vào vận hành).
Thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi các giao dịch làm giá, thao túng giá, giao dịch không công bằng và lôi kéo giữa các thị trường (thị trường cơ sở; thị trường phái sinh...).
Ông Sơn cho biết, để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững trong năm 2021, trên nền tảng và cơ sở pháp lý cho sự phát triển thị trường chứng khoán đã xây dựng trong năm qua, bước sang năm 2021, ngành chứng khoán sẽ tập trung triển khai nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Tựu chung lại, ông Sơn cho rằng, năm 2021 sẽ mở ra “Vận hội phát triển mới” cho thị trường.
Được nâng đỡ bởi nền tảng vĩ mô ổn định
Đồng quan điểm, ông Phạm Vũ Thăng Long, Trưởng bộ kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC đánh giá, thị trường chứng khoán năm 2021 được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô tích cực.
Ông Long đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 và 2022 lần lượt là 6,92% và 7,03%. Hoạt động xuất khẩu và đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực chính cho đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu có thể tăng trưởng lần lượt 8,4% và 7,5% trong năm 2021 nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi và vốn FDI giải ngân có thể tăng 5,2% trong năm 2021.
Chính sách tiền tệ và tài khoản nới lỏng tiếp tục được duy trì. Đồng thời, thận trọng về rủi ro lạm phát do giá hàng hoá cơ bản và năng lượng phục hồi. Lạm phát bình quân của Việt Nam có thể tăng 3,6% trong năm 2021 từ 3,2% trong năm 2020.
Theo ông Long, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam có ý nghĩa kinh tế lớn, giúp Việt Nam đã có thể nới lỏng đáng kể các biện pháp kiểm soát, duy trì nền kinh tế trong nước đồng thời tận dụng xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo đó, với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc của Việt Nam, định giá rẻ và tỷ giá ổn định khi so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực, Việt Nam tương đối hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, trong năm 2021.
Các thị trường mới nổi của khu vực ASEAN đã bị nước ngoài rút ròng luỹ kế đáng kể trong 12 tháng, trong đó dòng vốn rút ra khỏi Việt Nam là thấp nhất, cả về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.
Tính thanh khoản cao trên thị trường liên ngân hàng trong bối cảnh lãi suất thấp cũng có tương quan lớn với thanh khoản trên thị trường cổ phiếu. Ngoài ra, mặc dù là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất kể từ tháng 1/2020, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp so với quá khứ và so với thị trường trong khu vực.
Tuy nhiên, cùng với cơ hội, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán cũng đối diện với nhiều thách thức như triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các vấn đề nội tại cần cải thiện như quy mô thị trường còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thiếu ổn định.; sản phẩm thiếu đa dạng; tính minh bạch và chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răng đe... các nhà đầu tư mới (F0) gia nhập thị trường mạnh mẽ chưa có nhiều kiến thức về thị trường chứng khoán, và đặc điểm thị trường với hơn 85%-90% là giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân - là một cơ cấu nhà đầu tư chưa bền vững; và tình trạng nghẽn lệnh làm suy giảm niềm tin trên thị trường.
Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đề xuất, sớm ban hành các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019; đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch.
Ngoài ra, quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023. Phát triển nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp nhiều hơn song song với việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường…
Đặc biệt, trong bối cảnh mới, nhà đầu tư cũng nên xách định rõ mục đích đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn theo phong trào. “Hãy là nhà đầu tư thông thái”, ông Lực chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận