24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Anh Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường chứng khoán 'bám' vào đâu để vững bước đi lên?

Việc VN-Index điều chỉnh giảm mạnh bởi thất vọng về việc tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 là khó có thể xảy ra. Trong khi đó, vĩ mô nhiều điểm sáng được đánh giá sẽ ủng hộ thị trường.

Theo báo cáo xếp hạng thị trường tháng 10/2024 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market).

Tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi

FTSE Russell ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ đối với các cải cách thị trường, đặc biệt là Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC đưa ra các sửa đổi đối với nhiều quy định, nhất là việc loại bỏ yêu cầu “pre-funding” đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, FTSE Russell nhấn mạnh điều quan trọng là phải duy trì tốc độ thay đổi nếu Việt Nam muốn đạt được thời hạn mục tiêu năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ đặt ra đầu năm nay.

Trước đó, mặc dù hy vọng mong manh nhưng thị trường vẫn “bám” vào việc gỡ bỏ nút thắt prefunding sẽ là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 trong kỳ công bố kết quả nâng hạng vào ngày 8/10 vừa qua. Đây được cho là liều “doping” giúp thị trường dần lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian qua.

SSI Research ước tính nếu nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn từ các quỹ ETF ngoại vào Việt Nam có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF). Qua đó, dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại ổn định, thanh khoản gia tăng, giúp thị trường vững vàng đi lên.

Thực tế, hơn một năm qua, nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, duy nhất tháng 1/2024 là mua vào. Quy mô bán ròng từ đầu năm đến nay đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, xu hướng này bắt đầu thay đổi từ nửa cuối tháng 9.

Xu hướng mua trở lại của khối ngoại là lực đỡ cho TTCK trong giai đoạn giằng co gần vùng kháng cự 1.300 điểm và hấp thụ một phần áp lực bán của nhà đầu tư tổ chức. Tháng 9, nhà đầu tư trong nước bán ròng 3.200 tỷ đồng sau khi mua kỷ lục 7.200 tỷ trong tháng trước, riêng nhóm tự doanh bán hơn 950 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng áp lực bán ròng từ đầu năm của khối ngoại đến từ sự dịch chuyển dòng vốn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường và tỷ giá. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 9, sự thay đổi của một số yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của khối ngoại đã phần nào khiến xu hướng này đảo chiều, trong đó có kỳ vọng đến từ việc sửa đổi Thông tư 68/2024/TT-BTC.

Điểm sáng ủng hộ “sóng” tăng

Nhìn chung, việc Việt Nam lại “lỡ hẹn” lên thị trường mới nổi hạng 2 được cho là khiến tâm lý nhà đầu tư có phần hụt hẫng. Tuy nhiên, nhiều dự báo trước đó cũng đưa ra nhận định rằng còn quá sớm để kỳ vọng, bởi các công ty chứng khoán cần thời gian xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm này, trước khi FTSE khảo sát lấy ý kiến của các bên tham gia thị trường để quyết định có nâng hạng TTCK Việt Nam hay không.

Chứng khoán ACBS, Chứng khoán ACB và Chứng khoán Maybank kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025. Trong khi đó, Chứng khoán SSI dự báo điều này sẽ được thực hiện trong tháng 9/2025.

Vì thế, việc VN-Index điều chỉnh giảm mạnh bởi thất vọng là khó có thể xảy ra. Bên cạnh đó, vĩ mô nhiều điểm sáng sẽ ủng hộ TTCK. Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank, dữ liệu kinh tế GDP quý III gây ấn tượng với nhiều nhà đầu tư cũng như tổ chức tài chính. Bởi trước đó, nhiều tổ chức tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với số liệu tăng trưởng vừa được Tổng cục Thống kê công bố, do đánh giá ảnh hưởng của bão Yagi. Đây là con số nằm trong kịch bản khả quan nhất và quý tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 dự kiến sẽ sôi động trong hai tuần cuối tháng 10 được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK.

Mặt khác, công cuộc hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng sẽ được cụ thể hóa trong dự án Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 8. Dự thảo Luật nếu được thông qua sẽ mang ý nghĩa bước ngoặt đối với TTCK Việt Nam trong triển vọng nâng hạng năm 2025, theo đánh giá của FTSE và MSCI.

Ngoài ra, động thái cắt giảm lãi suất và chính sách hỗ trợ kinh tế của các ngân hàng trung ương lớn góp phần tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ ôn hòa theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 9 đánh dấu chu kỳ cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2020, đồng thời đưa ra kịch bản cắt giảm 150 điểm cơ bản trong 15 tháng tới tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho TTCK trung và dài hạn. Động thái này được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại trở lại các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Hơn nữa, mới đây Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế, nếu có thể vực dậy đà tăng trưởng ở quốc gia này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đối với Việt Nam khi mức độ giao thương giữa hai nền kinh tế là rất lớn.

Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2013 – 2015, TTCK cũng có khung sideway trước khi bật lên vào 2016 – 2017. Đây là giai đoạn đi ngang điển hình khi mà thị trường chưa có một gói hỗ trợ hay gói kích thích đủ mạnh để thị trường đi lên. Như giai đoạn 2016 – 2017 có các câu chuyện như tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và làn sóng thoái vốn nhà nước. Chu kỳ tăng thứ hai sau Covid-19 thì có gói hỗ trợ về mặt lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng.

Như vậy, TTCK Việt Nam thường phản ứng mạnh mẽ với các chính sách nới lỏng tiền tệ, đặc biệt là gói kích thích kinh tế. Trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư kỳ vọng gói hỗ trợ chính sách như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất chính sách, dòng vốn hỗ trợ bơm vào TTCK tốt hơn, tác động tích cực trong năm 2025. Nếu lãi suất hạ thì TTCK chắn chắn có "con sóng" rất mạnh.

Trong cuộc họp ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nên đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, cho người lao động tiếp cận được các chương trình mua nhà. Đây là thông tin rất quan trọng, bởi Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo thì gói này có thể xuất hiện cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

“Kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng, đây là điều kiện vừa cần và vừa đủ cho đợt sóng tăng mạnh của thị trường cuối năm nay và đầu năm sau”, ông Trần Hoàng Sơn nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả