menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Chung

Thị trường chứng khoán 2021 có duy trì đà tăng bền vững?

Mặc dù là năm 2020 phải chống chọi với dịch bệnh Covid và có rất nhiều khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn phát triển rực rỡ. Vậy thị trường có duy trì được sự phát triển bền vững trong năm 2021 hay không? 

Động lực chính đến từ nhà đầu tư cá nhân

TTCK Việt Nam chốt lại phiên cuối cùng của năm 2020 đầy ấn tượng. Trên HOSE, nhóm cổ phiếu VN30 tăng mạnh hỗ trợ tích cực cho chỉ số VN-Index. Khép lại phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,33 điểm tương đương tăng 0,58% lên 1.103,87 điểm. Tính từ đầu tháng 12, tỷ trọng các phiên tăng điểm luôn chiếm vị thế thượng phong trong khi các phiên giảm điểm chỉ ở con số 7 nhưng cũng chỉ là giảm điểm nhẹ. Kèm theo chỉ số gia tăng, thanh khoản của thị trường cũng luôn ghi nhận ở mức cao và sự tăng vọt của tài khoản mới (f0) khi tham gia thị trường.

Theo ghi nhận của các chuyên gia chứng khoán, VN-Index liên tục tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số MSCI FM trong 5 năm qua. Tính từ đầu năm, VN-Index tiếp tục tăng mạnh hơn 12,7% so với chỉ số MSCI FM. Tương tự như các thị trường khác, nhóm Mid-cap đã tăng nhiều hơn 12% so với VN30 trong năm 2020, sau 3 năm liên tiếp kém hiệu quả hơn nhóm VN30.

Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung Tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong đợt đánh giá mới nhất, MSCI đã công bố tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn. Hiện tại, Việt Nam có tỷ trọng 14,2% trong rổ chỉ số này. Một mặt, đây có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021. Nhưng cũng cần lưu ý rằng MSCI cũng đang tham vấn về việc phân loại lại thị trường Argentina từ Thị trường mới nổi (Emerging market) sang Thị trường cận biên (Frontier market) hoặc Thị trường độc lập (Standalone market). Tuy nhiên, chúng ta cần đợi đến tháng 6/2021 để xem liệu nước này có quay trở lại thị trường cận biên hay không. Nếu có, Argentina có thể chiếm một phần lớn tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số.

Điểm nổi bật trong thời gian qua là nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tiếp tục là động lực chính cho thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới đạt đỉnh vào tháng 11, mức cao nhất theo tháng từ trước đến nay. Nếu như nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) từng chiếm 15-18% tổng giá trị giao dịch trong những năm trước đây; tuy nhiên, tính đến 11/2020, tỷ trọng giao dịch của NĐTNN giảm xuống chỉ còn 12% và chỉ còn khoảng 7,7% trong những tuần gần đây. NĐTNN đã bán ròng hơn 700 triệu USD trong 11 tháng năm 2020 và chỉ có các quỹ ETF có dòng vốn vào ở mức khiêm tốn, đạt 95 triệu USD trong thời gian này.

SSI đánh giá, nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho TTCK trong năm sau.

Vẫn nhiều dư địa đầu tư

Trao đổi với báo chí về câu chuyện TTCK vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, TTCK nước ta trong năm qua phát triển rất tốt cả về thanh khoản và chỉ số. Đặc biệt là từ tháng 7 đến nay, thị trường tăng đến 26 - 27% và đã vượt mức đầu năm khoảng hơn 9%.

Tuy nhiên sự tăng trưởng mạnh của TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế toàn cầu. Nhìn sang nước Mỹ, mặc dù bị đại dịch Covid hoành hành và bị ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng TTCK Mỹ cũng phát triển khá thăng hoa. Trong khi TTCK Việt Nam còn có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực như đại dịch trong nước hiện đang được kiểm soát khá tốt, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định…

Có được kết quả đó là nhờ những chính sách hợp lý của Chính phủ khi vừa bảo đảm được an toàn cho nhân dân trước dịch bệnh, nhưng cũng không để ảnh hưởng quá nhiều đến phát triển kinh tế.

Qua khảo sát cho thấy, ở các khu du lịch mặc dù nó có ảnh hưởng nhưng khách du lịch nội địa vẫn khá đông và có những thời điểm việc đặt phòng ở một số danh lam thắng cảnh tương đối khó. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và thặng dư thương mại kỷ lục, cộng thêm nguồn giải ngân vốn FDI, dòng kiều hối… đã giúp dự trữ ngoại hối tăng cao cũng như góp phần ổn định cán cân vĩ mô, từ tỷ giá, lạm phát và những chỉ tiêu rất quan trọng khác...

Ngoài ra theo ông Dũng, việc mặt bằng lãi suất giảm thấp cũng là một nguyên nhân khiến cho số NĐT lần đầu tiên tham gia TTCK tăng lên, nhiều NĐT thì tăng lượng tiền đầu tư vào chứng khoán. “Trong bối cảnh lãi suất giảm thì có lượng tiền đầu tư vào chứng khoán có tăng hơn và tôi nghĩ điều đó phù hợp với quy luật”, ông Dũng cho hay.

Vấn đề đặt ra là liệu TTCK có duy trì được đà tăng trưởng này trong năm 2021? Liên quan đến định giá và triển vọng lợi nhuận năm 2021, theo đánh giá của SSI, ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các công ty niêm yết là 23% sau khi giảm 17% trong năm nay. Nếu lấy các chỉ số thị trường ngày 28/12/2020 làm cơ sở để tính toán thì hệ số P/E thị trường năm 2021 sẽ ở mức 16,03 lần. Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, SSI thừa nhận rằng năm 2020-2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của NĐT cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” ngày càng tăng.

Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào TTCK sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.

Trong kịch bản cơ sở, SSI sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index trong năm 2021 (tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%). Ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%. Cả hai lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp cải thiện NIM của các ngân hàng niêm yết, trong khi rủi ro hình thành nợ xấu là hạn chế do đợt bùng phát dịch Covid thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn. Trong khi với bất động sản, giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM ở mức hạn chế.

Đại diện SSI cũng dự báo, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại