Thị trường bất động sản TP.HCM: Hàng loạt vướng mắc cần tháo gỡ
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo trong thời gian tới, các cơ quan liên quan phải tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường TP.HCM so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm 30,4% về tổng số căn nhà. Hiện nay, các doanh nghiệp thường lựa chọn phát triển sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung cấp. Điều này dẫn đến cơ cấu sản phẩm mất cân đối, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%; phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất, từ 25,2% lên 42,1%. Đây là sự lệch pha cung cầu, là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường thiếu bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình…
Là doanh nghiệp chuyên làm dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, chia sẻ: “Chúng tôi đang cân nhắc có làm nhà ở xã hội nữa không vì tồn tại những vướng mắc của dự án kéo dài đã 3-5 năm vẫn chưa được giải quyết”. Theo ông Nghĩa, dự án Lê Thành - Tân Kiên (huyện Bình Chánh) dù đã được UBND TP.HCM chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ vướng mắc nhưng sau 3 năm thực hiện, nay lại phải bắt đầu lại từ bước đầu tiên. “Dù dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư từ đầu đến cuối lại xuất hiện những vấn đề về kiểm toán. Kiểm toán yêu cầu trước khi bán phải đăng báo nhưng lại quy định khắt khe là đăng báo nào, nếu đăng sai sẽ… bị phạt. Cũng vậy, việc xác nhận thu nhập của người mua, xác nhận có nhà chưa, không phải thẩm quyền của chủ đầu tư, chủ đầu tư chỉ dựa trên xác nhận của chính quyền địa phương nhưng lại bị nghi ngờ là bán nhà không đúng đối tượng…” - ông Nghĩa bức xúc.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng đưa ra 61 dự án đang gặp vướng mắc cần được tháo gỡ, trong đó 7 dự án đã bàn giao nhà ở cho khách hàng tại quận Phú Nhuận trong các năm qua cũng vẫn chỉ “đang được Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành tích cực xem xét giải quyết”. Điển hình như vướng mắc tại dự án Dragon City, huyện Nhà Bè của Công ty Địa ốc Phú Long đã tồn tại từ năm 2004. Theo đó, công ty Phú Long trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha, là đất sạch. Chủ đầu tư đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, đồng thời bắt tay thực hiện dự án nhà ở theo quy hoạch. Tuy nhiên, một phân khu của dự án còn tồn tại một căn nhà, người dân không chịu di dời, dẫn đến không thể triển khai nốt phần còn lại. Dù nhiều năm qua, công ty có rất nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM, UBND huyện Nhà Bè và các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa có tiến triển nào trong việc giải quyết bồi thường…
Trước những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian qua nhiều dự án bất động sản triển khai chậm do không ít nguyên nhân, và lực lượng thanh kiểm tra, kiểm toán TP.HCM phải làm việc rất nhiều, riêng Thanh tra Chính phủ đang thanh tra 164 dự án, khi thanh tra dự án phải dừng lại. Việc dừng lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, có một số dự án liên quan đến đất công ở TP.HCM cũng đang phải tạm dừng.
“Hiện nay doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, một ngày chậm trễ là tốn bao nhiêu chi phí, lãnh đạo TP.HCM cũng đã yêu cầu các sở ngành phải hiểu và chia sẻ điều này. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan phải tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản. Trên cơ sở các kiến nghị của doanh nghiệp, giao Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình xếp lịch làm việc với các sở ngành để giải quyết từng vấn đề, kết luận cụ thể; 61 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hồ sơ báo cáo tổ công tác đầu tư của thành phố, chậm nhất đến ngày 15/4 phải hoàn thành”, ông Phong chỉ đạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận