Thị trường bất động sản: Loạn xây dựng không phép
Tình trạng xây dựng không phép diễn ra khá phổ biến, khi các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và cả TP.HCM đều phát hiện nhiều dự án bất động sản xây không phép.
Ngang nhiên
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu công an điều tra Khu phức hợp thương mại - dịch vụ và căn hộ cao cấp ở 15 - Đồng Khởi (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa). Đây là một công trình xây dựng không phép giữa trung tâm TP. Biên Hòa, do Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Dự án trên có diện tích hơn 22.000 m2, với 3 khối công trình “khủng”, tổng vốn đầu tư gần 680 tỷ đồng. Trong đó, khu A là trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện có quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, đã được đưa vào sử dụng; khu B là trung tâm thương mại, dịch vụ, quy mô 5 tầng nổi và 1 tầng hầm đang thực hiện giữa chừng.
Được biết, năm 2017, dự án này được chủ đầu tư xây dựng dù chưa có giấy phép. UBND TP. Biên Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản chỉ đạo việc cưỡng chế, nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại.
Tại TP. Vũng Tàu, ngày 17/10 vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra công trình xây dựng biệt thự tại núi Lớn, do Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư.
Ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Dự án này san lấp để xây hàng chục căn biệt thự trên diện tích hàng ngàn mét vuông trên đỉnh núi Lớn, nhưng không hề có giấy phép xây dựng…
Tại tỉnh Long An, tình trạng xây dựng không phép diễn ra phổ biến nhất. Đơn cử, Dự án Long Phú, chỉ cách trụ sở UBND huyện Bến Lức 500 m, thế nhưng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng và Trang trí nội thất Chung Phú (Công ty Chung Phú) và Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An (Trần Anh Group) - đơn vị phát triển và bán hàng, đã “thản nhiên” xây dựng 62 căn nhà phố và 200 căn biệt thự không phép.
Tình trạng xây dựng không phép không chỉ diễn ra ở các tỉnh cận kề TP.HCM, mà ngay tại quận 5, TP.HCM, dự án chung cư tại địa chỉ 628 - 630, Võ Văn Kiệt, có quy mô hơn 1.000 căn hộ, do Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina làm chủ đầu tư vừa bị phát hiện xây dựng 25.049,8 m2 tầng hầm B1, B2 mà không có giấy phép xây dựng.
Trước đó, vào tháng 6/2019, UBND quận 7, TP.HCM đã lập biên bản đình chỉ thi công Dự án Green Star Sky Garden của chủ đầu tư Hưng Lộc Phát. Dự án với 110 căn biệt thự đã xây dựng từ năm 2017 mà chưa có giấy phép xây dựng.
Vẫn còn… phạt cho tồn tại
Trước vấn nạn xây dựng không phép, nhiều địa phương đã kiên quyết xử lý. Như tại TP.HCM, ngày 3/10/2019, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4220/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina vì xây dựng hầm B1, B2 dự án chung cư 628 - 630, Võ Văn Kiệt và yêu cầu công ty này tự tháo dỡ phần xây dựng dự án không phép nêu trên.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, với những dự án xây dựng khi chưa có giấy phép sẽ áp dụng Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP để xử phạt.
Theo đó, ngoài biện pháp phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, còn buộc chủ đầu tư dự án phải có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm...
Ngoài ra, ngày 23/10, ông Võ Văn Hoan cũng có văn bản yêu cầu UBND 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố phải rà soát, tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất/quy mô lớn, nghiêm trọng. Mỗi quận, huyện phải tổ chức cưỡng chế ít nhất 2 công trình.
Sở Xây dựng được giao trình UBND TP.HCM tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại quận 5 và quận Thủ Đức (ít nhất 2 công trình) hoặc một số công trình trọng điểm tại các quận, huyện khác mà cần phải xử lý khẩn trương.
Ở tỉnh Đồng Nai, tại Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp 22.000 m2 xây dựng không phép tồn tại nhiều năm ở trung tâm TP. Biên Hòa, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu về khu đất có các công trình trên. Nội dung mà Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị cung cấp gồm hồ sơ pháp lý việc xây dựng và đưa vào sử dụng công trình trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện, công trình xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ đã được cấp phép, thủ tục pháp lý ra sao.
Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cấm Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu không được làm dự án trên núi Lớn. Ngoài ra, kiểm tra các dự án bất động sản đang xây dựng tại địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm nếu chưa có giấy phép.
Riêng tỉnh Long An, tuy phạt nhưng vẫn cho tồn tại.
Đơn cử, tại Dự án Long Phú, Quyết định số 10/QĐ-XPVPHC do ông Châu Ngọc Lâm, Chánh thanh tra Sở Xây dựng ký, chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Chung Phú số tiền 40 triệu đồng vì không có giấy phép xây dựng. Tiếp tục cho dự án này tồn tại bằng việc yêu cầu chủ đầu tư tiến hành thủ tục xin giấy phép xây dựng dự án.
Hay Dự án Trần Anh Riverside 2 (Solar City), Sở Xây dựng tỉnh Long An cũng chỉ phạt 40 triệu đồng và cho tồn tại, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện xin giấy phép xây dựng.
Còn Dự án West Lake Golf & Vilass, dù chưa có giấy phép xây dựng, nhưng các ban, ngành của Long An không cưỡng chế buộc dừng việc xây dựng sai phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận