Thị trường bất động sản "hút" vốn của các nhà đầu tư ngoại
Theo các chuyên gia nhận định, các tháng đầu năm 2021 đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản gặp phải những khó khăn nhất định dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và một số thủ tục pháp lý chưa sẵn sàng. Tuy vậy, vốn FDI vẫn đổ vào lĩnh vực sản xuất,
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê ghi nhận trong quý I/2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 597,7 triệu USD, chiếm 14,6%. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh có 7 dự án vốn FDI đăng ký 117,4 triệu USD được cấp phép mới.
Trước đó, năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với vốn FDI đăng ký gần 4,2 tỷ USD, cao hơn số vốn 3,88 tỷ USD của cả năm 2019. Trong số này có tới 2 tỷ USD rót vào thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn Covid-19 năm 2020, có thể nói FDI chưa thể hiện đúng mức độ quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường Việt Nam. Tuy vậy, vốn FDI vẫn đổ vào lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện cho ngành bất động sản cũng có những chuyển biến tích cực. Thêm vào đó, với việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp tác động của dịch Covid-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam đang trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, các chính sách ứng phó với đại dịch và điều hành kinh tế của Việt Nam trong vòng một năm qua rất đúng đắn và đem lại kết quả tích cực.
Việt Nam đang nằm trong vùng tăng trưởng của thế giới với nền kinh tế ổn định. Chính phủ quyết tâm triển khai vốn đầu tư là cú hích rất lớn cho phát triển kinh tế. Quan hệ quốc tế vô cùng thuận lợi với các hiệp định FTA, RCF, CPTTP đã khẳng định vị thế của Việt Nam từ nước đến sau trong WTO trở thành nước đi đầu, áp đặt cuộc chơi cho thế giới mới. Xuất nhập khẩu và kết quả sản xuất rất tích cực.
“Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng trong năm 2021”, vị chuyên gia khẳng định và nói thêm, sức khỏe nền kinh tế và bất động sản của Việt Nam đang nằm ở mức A đến mức A+.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, năm 2020 có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng với những con số đó là nhu cầu về địa điểm sản xuất, kinh doanh, về nhu cầu làm việc sinh sống cho các chuyên gia... Sự tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu về các loại hình bất động sản gia tăng, điều này cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thuận lợi của dòng vốn trong tương lai.
Đánh giá về hoạt động FDI trong năm 2021, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới Việt Nam và khẳng định: “Hiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện so với nhiều năm trước, và Việt Nam đang nắm giữ các lợi thế lớn về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, chính sách quản lý vốn hấp dẫn với đầu tư nước ngoài”. Cụ thể:
Giám đốc Savills Hà Nội cũng cho biết, các nhà đầu tư và phát triển bất động sản nước ngoài vẫn sẽ đối mặt với những thách thức nhất định khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Ông Matthew Powell phân tích: “Khó khăn của nhà đầu tư còn liên quan đến chất lượng đầu tư và khả năng tiếp cận. Đơn cử, với các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng chất lượng như đường xá, hải cảng và hệ thống đường sắt vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các tỉnh có nhiều không gian kinh tế lại gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng, gây ra khó khăn trong việc tiếp cận nguyên vật liệu hoặc gặp nhiều vấn đề trong việc vận chuyển sản phẩm".
Vì vậy, theo ông Matthew Powell, điều quan trọng là dự án phải nằm trong khu vực có khả năng tiếp cận dễ dàng với các đối tác chính và thuận tiện giao thông. Một chiến lược rõ ràng, được thực thi tốt cùng một kế hoạch tài chính vững chắc là điều cần thiết cho nhà đầu tư. Việt Nam đang cần nhiều hơn nữa các giải pháp Công nghiệp 4.0 cho các dự án thông minh, chất lượng cao và rõ ràng để có thể dễ dàng đầu tư vào.
Cũng theo nhận định của ThS. Lê Thị Loan, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, để dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thì quá trình thu hút vốn cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lựa, tính toán và phù hợp với quy hoạch.
"Trước hết, công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần được xây dựng chi tiết, tỉ mỉ và cụ thể. Các dự án FDI bất động sản cần được thẩm định kỹ càng theo các tiêu chuẩn, để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, thực lực và khả năng kết nối thị trường bất động sản quốc tế. Từ đó mới có thể xây dựng quy hoạch phát triển bất động sản hợp lý, ổn định, phù hợp với nhu cầu phát triển ngắn, trung và dài hạn" - ThS. Lê Thị Loan đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận