Thị trường Anh chi hơn 6 tỷ USD mua hàng từ Việt Nam
Thị trường Anh đã chi hơn 6 tỷ USD để mua hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong năm 2022, con số này tăng nhẹ 5,2% so với năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh trong tháng 12/2022 đạt 435,1 triệu USD, giảm 10,8% so với tháng trước đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 sang thị trường này đạt 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, đạt 1,13 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước đó, chiếm 18,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tiếp đến là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, trong năm 2022 đạt 852,1 triệu USD, tăng 36,6%, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đứng thứ 3 là hàng dệt may đạt 765 triệu USD, tăng 40,3%, chiếm 12,6% tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2022, giày dép đạt 765 triệu USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng gần 13%.
Trong năm 2022, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ với năm trước, gồm: cà phê tăng 61,1%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 23,6%; dây điện và dây cáp điện tăng 30,4%; đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 58,8%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 56,2%.
Theo Bộ Công thương, sau 2 năm bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, năm 2021 thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,7 tỷ USD tăng 16,4% so với năm 2020.
Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đã đi vào thực thi tạm thời từ đầu năm 2021, có hiệu lực chính thức từ tháng 5/2021, tạo ra cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa, ngay cả khi thời điểm dịch bệnh covid cam go nhất trong năm 2021, nhưng xuất khẩu vẫn đạt mức tăng khá.
Bộ Công thương cho biết, dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều Việt - Anh vẫn đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập khẩu từ Anh 849 triệu USD, tăng 23,6%, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI khẳng định: "Kết quả tăng trưởng xuất khẩu sang Anh cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tới UKVFTA, tận dụng lợi thế của người đi trước khi là quốc gia đầu tiên trong ASEAN có FTA song phương với Anh để thúc đẩy xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng đánh giá, nếu không có UKVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ khó có mức tăng trưởng như năm qua.
Năm 2023 và các năm tới, thực thi UKVFTA với thị trường Anh sẽ tiếp tục mang lại lợi ích đáng kể hơn cho các ngành hàng, doanh nghiệp. Theo cam kết sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, sức ép với các ngành hàng xuất khẩu là phải chuẩn hóa sản xuất theo yêu cầu cao của các nhà nhập khẩu, nhất là với các sản phẩm nông thủy sản. Còn với hàng công nghiệp chế biến chế tạo là quá trình sản xuất phải cắt giảm phát thải, quy định mới về dán nhãn hàng hóa...
Cụ thể, Anh đã rời khỏi EU, nước này đã và sẽ ban hành rất nhiều những biện pháp, quy định mới để áp dụng tại Anh. Chẳng hạn, từ ngày 01/01/2023, các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh buộc phải dán nhãn UKCA thay vì nhãn CE như trước đây.
Theo đó, chỉ có các sản phẩm có nhãn hiệu UKCA mới được phép lưu hành tại thị trường Anh, tức các sản phẩm có nhãn hiệu CE cũng không được lưu hành.
UKCA là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh. UKCA bắt buộc cho một số sản phẩm lưu hành tại thị trường Anh (khu vực England, xứ Wales và Scotland). Các sản phẩm cần có nhãn hiệu UKCA hầu hết tương đương với các sản phẩm cần nhãn hiệu CE.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận