Thị trường 24h: Rau đặc sản Việt đắt ngang cua huỳnh đế, tôm hùm Mỹ
Dù có giá đắt ngang với giá cua hoàng đế Alaska hay tôm hùm Mỹ, song những loại rau đặc sản của Việt Nam như hoa tam thất bao tử, nấm mối miền tây… có tiền cũng khó mua.
Thịt lợn tăng giá trở lại
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá thịt lợn đã có xu hướng tăng lên.
Thống kê của cơ quan này, giá thịt lợn đã tăng từ 1.000 đến 5.000 đồng một kg và tăng nhiều nhất là ở khu vực phía Nam. 3 tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chưa ghi nhận giá thịt lợn tăng trở lại.
Bà Hà - tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) cho biết, thời gian đầu công bố dịch tả lợn, có ngày bà chỉ bán được một phần ba lượng thịt thu mua. Khoảng một tuần trở lại đây, dịch bệnh được khống chế, lượng hàng tiêu thụ tốt hơn, giá tăng trở lại. Không riêng tại các chợ khu vực Hà Nội, ở nhiều địa phương phía Bắc giá thịt lợn đã "ấm" trở lại.
Bất ngờ loại rau đặc sản Việt đắt ngang cua hoàng đế, tôm hùm Mỹ
Không phải sơn hào hải vị, chỉ là những loại rau nhưng ở Việt Nam lại có một số loại rau đặc sản có giá vô cùng đắt đỏ. Thậm chí, nhiều người còn so sánh giá của những loại rau này đắt ngang với giá cua hoàng đế khổng lồ hay tôm hùm Mỹ.
Ví như nấm mối miền Tây - một loại nấm đặc sản được khai thác hoàn toàn ngoài tự nhiên, không thể trồng được và thường chỉ xuất hiện trong vườn cây ở các tổ mối dưới đất. Đáng chú ý, nấm mối chỉ xuất hiện khi miền Tây bước vào mùa mưa, tức mùa nấm mối chỉ kéo dài trong khoảng thời gian rất ngắn từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch.
Hàng loạt nhà máy đường nguy cơ phá sản
VSSA cho biết, ngành mía đường đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Đặc biệt, niên vụ 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường chịu tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường. Nhiều nhà máy kinh doanh giảm sút, thua lỗ kéo dài từ nhiều vụ trước.
Tính đến giữa tháng 3/2019, cả nước có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần 8 triệu tấn mía, cho ra 750 ngàn tấn đường các loại. Khoảng 150 ngàn tấn đường được tinh luyện từ nguyên liệu đường thô nhập khẩu.
Tiêu thụ đường cũng rất chậm do tồn kho vụ trước nhiều và hiện còn tồn khoảng 75%. Giá đường dù có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg.
Mỹ phẩm trôi nổi, hàng hiệu không rõ nguồn gốc: Tiền mất, rước bệnh vào thân
Theo báo cáo mới đây nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ hàng chục tấn gồm mỹ phẩm, thuốc, rượu và các loại sản phẩm tiêu dùng khác.
Mới đây nhất, cuối tháng 3, Đội QLTT số 26 - Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh Thiết Hường do bà Nguyễn Thị Hường (trú tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm chủ. Qua kiểm tra kho hàng tại phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hơn 7 tấn nguyên liệu thuốc bắc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận