Thêm một "ông lớn" bất động sản Trung Quốc có thể phải thanh lý tài sản
Yêu cầu thanh lý tài sản đối với Shimao Group có liên quan tới nghĩa vụ tài chính với số tiền xấp xỉ 1.579,5 triệu đôla Hồng Kông (204 triệu USD) của công ty...
Trong báo cáo gửi cơ quan quản lý chứng khoán ngày 8/4, công ty bất động sản Shimao Group, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã đệ trình yêu cầu thanh lý tài sản của công ty này lên một tòa án ở Hồng Kông vào ngày 5/4.
Yêu cầu này có liên quan tới “nghĩa vụ tài chính với số tiền xấp xỉ 1.579,5 triệu đôla Hồng Kông (204 triệu USD) của công ty”.
Shimao khẳng định sẽ “quyết liệt phản đối yêu cầu thanh lý tài sản này” và sẽ tiếp tục thực hiện quá trình tái cơ cấu nợ ở nước ngoài. “Chúng tôi cho rằng yêu cầu thanh lý tài sản này không đại diện cho quyền lợi tập thể của các chủ nợ nước ngoài cũng như các cổ đông của công ty”, Shimao cho biết trong một tuyên bố.
Theo hãng tin CNN, Shimao rơi vào cuộc khủng hoảng nợ từ tháng 7/2022, khi công ty này không thể thanh toán lãi và gốc cho số trái phiếu quốc tế đáo hạn trị giá 1 tỷ USD. Sau đó, công ty này mất khả năng thanh toán toàn bộ số trái phiếu quốc tế trị giá 11,7 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Shimao giảm hơn 18% trong phiên giao dịch ngày 8/4 và giảm gần 40% kể từ đầu năm.
Theo nguồn tin từ Reuters, ngân hàng Deutsche Bank cũng đang cân nhắc có động thái tương tự của CCB đối với Shimao, sau khi nhận thấy kế hoạch tái cơ cấu nợ mà công ty này đưa ra hồi tháng 3 là "không thể chấp nhận được".
Shimao là công ty bất động sản mới nhất đối mặt động thái pháp lý của các chủ nợ, trong bối cảnh toàn ngành này tại Trung Quốc đang chìm trong cuộc khủng hoảng kéo dài.
Đầu năm nay, Evergrande, công ty bất động sản nợ nhiều nhất thế giới và là tâm điểm của cuộc khủng hoảng địa ốc Trung Quốc, cũng nhận được phán quyết yêu cầu thanh lý tài sản từ một toà án ở Hồng Kông vào ngày 29/1.
Phán quyết được đưa ra sau khi tập đoàn địa ốc từng lớn nhất Trung Quốc và các chủ nợ quốc tế không đạt được thỏa thuận về việc tái cơ cấu khối nợ khổng lồ của tập đoàn trong các cuộc đàm phán kéo dài suốt 19 tháng.
Trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi về những ảnh hưởng của việc Evergrande vỡ nợ đối với các chủ nợ, hàng nghìn người lao động và người mua nhà vẫn đang chờ nhận bàn giao căn hộ từ tập đoàn này.
Một ông lớn bất động sản khác, Country Garden, năm ngoái cũng vỡ nợ và nhận được yêu cầu thanh lý tài sản từ một chủ nợ hồi tháng 2.
"Thông thường các ngân hàng muốn làm việc với các doanh nghiệp gặp rắc rối nếu họ cho thấy sự sẵn sàng và khả năng hợp tác với nhà băng để đưa ra kế hoạch trả nợ", nhà nghiên cứu Fern Wang của KT Capital, cho biết. "Nhưng trong trường hợp này, nhiều khả năng CCB đã không còn lựa chọn nào khác và buộc phải yêu cầu thanh lý tài sản của Shimao".
Kể từ năm 2021, khi Bắc Kinh bắt đầu siết quản lý nhằm kiềm chế bong bóng địa ốc, hàng chục công ty bất động sản ở Trung Quốc đã vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng địa ốc từ đó đến nay đã kéo tụt tăng trưởng của nước này. Tình hình càng nghiêm trong hơn khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi chậm chạp sau 3 năm áp đặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hà khắc.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng đối mặt nhiều “cơn gió ngược”, từ tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ cho tới áp lực tài chính của các chính quyền địa phương.
Thời gian qua, thay vì đưa ra các chương trình kích thích lớn để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, các nhà chức trách Trung Quốc thực hiện từng bước dài hạn nhằm phục hồi ngành này. Tuy nhiên, đến nay các biện pháp của nhà chức trách vẫn chưa mang lại hiệu quả. Năm 2023, doanh số bất động sản tại Trung Quốc giảm 6,5% so với năm 2022. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực này giảm 9,6%, năm giảm thứ hai liên tiếp.
Hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Nhà đất Trung Quốc Ni Hong cho biết nhà chức trách sẽ hỗ trợ nhu cầu tài chính “hợp lý” của các công ty bất động sản. Ông nhấn mạnh rằng “danh sách trắng”, gồm những công ty đủ điều kiện được hỗ trợ, được lập ra gần đây sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản. Theo cơ chế này, hơn 6.000 dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Ni Hong khẳng định Bắc Kinh sẽ không giải cứu những công ty đang khủng hoảng “nghiêm trọng”.
“Với những công ty mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và không còn khả năng hoạt động, chúng tôi sẽ để họ phá sản hoặc tái cơ cấu”, vị Bộ trưởng cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận