Thêm một công ty chứng khoán ngoại lập kỷ lục dư nợ cho vay
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) báo lãi ròng gần 49 tỷ đồng trong quý 3, giảm 26% so với cùng kỳ. Theo Công ty, thị trường quý 3 có khối lượng và giá trị giao dịch thấp, doanh thu môi giới, lãi HTM, lãi kinh doanh giấy tờ có giá đều giảm. Bức tranh kinh doanh của Công ty vẫn có điểm sáng ở quy mô cho vay của Công ty xác lập kỷ lục mới.
Diễn biến thị trường không ủng hộ kéo tụt lợi nhuận quý 3
Quý 3, doanh thu hoạt động của KBSV giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 224 tỷ đồng. Các mảng trọng yếu đều sụt giảm, bao gồm môi giới giảm 41%, lãi đầu tư HTM giảm 68%, lãi từ tài sản tài chính FVTPL giảm 89%, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm nhẹ 1%. Công ty cho biết, thị trường chứng khoán quý 3 có khối lượng và giá trị giao dịch thấp.
Chi phí hoạt động quý 3 giảm 37% còn hơn 64 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí dành cho hoạt động môi giới. Như vậy, Công ty chịu lỗ gộp hơn 7 tỷ đồng ở mảng môi giới, cao hơn mức lỗ chưa đến 1 tỷ đồng của cùng kỳ.
Theo KBSV, chi phí hoạt động giảm ít hơn so với sự sụt giảm của doanh thu, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do Công ty đang đầu tư vào công nghệ thông tin, quảng cáo, truyền thông cho các ứng dụng giao dịch mới.
Với nhiều diễn biến không khả quan, KBSV chỉ lãi ròng gần 49 tỷ đồng trong quý 3, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lãi ròng gần 177 tỷ đồng, giảm 5%.
Năm 2024, KBSV đặt mục tiêu lãi trước thuế 297 tỷ đồng. Như vậy, với hơn 221 tỷ đồng đã mang về trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện 75% kế hoạch đề ra.
Kết quả kinh doanh quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm của KBSV
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Cơ cấu tài sản biến động mạnh, dư nợ cho vay cao kỷ lục
Tại thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của KBSV ghi nhận gần 9,290 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm, tương ứng quy mô đã thu hẹp gần 2,705 tỷ đồng, chủ yếu do giảm mạnh quy mô tài sản tài chính FVTPL và đầu tư HTM.
Cụ thể, tài sản tài chính FVTPL, mà gần toàn bộ là các chứng chỉ tiền gửi, đã giảm hơn 2,996 tỷ đồng so với đầu năm, chỉ còn gần 468 tỷ đồng. Mức giảm mạnh ghi nhận đồng loạt ở các chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng BIDV, HDBank, MBBank và các ngân hàng khác, trong khi chỉ phát sinh mới 150 tỷ đồng tiền gửi tại VPBank.
Nguồn: BCTC quý 3/2024 của KBSV
Quy mô các khoản đầu tư HTM, toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm, cũng giảm mạnh 1,257 tỷ đồng, về còn hơn 1,972 tỷ đồng. Dễ thấy KBSV không còn ghi nhận khoản tiền gửi 710 tỷ đồng tại BIDV và 200 tỷ đồng tại VietinBank, đồng thời giảm đáng kể tiền gửi tại VietABank và các ngân hàng khác.
Nguồn: BCTC quý 3/2024 của KBSV
Trong các tài sản tài chính FVTPL và các khoản đầu tư HTM nêu trên, KBSV sử dụng 450 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và toàn bộ hơn 1,972 tỷ đồng tiền gửi để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng.
Theo chiều ngược lại, KBSV lại gia tăng 1,697 tỷ đồng quy mô cho vay, lên hơn 6,707 tỷ đồng, phần lớn là số tiền cho nhà đầu tư vay margin. Đây là số dư cao kỷ lục trong lịch sử của Công ty.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ vay ngắn hạn giảm mạnh gần 2,755 tỷ đồng, còn hơn 4,880 tỷ đồng, chủ yếu do giảm dư nợ tại ngân hàng Kookmin - Chi nhánh Tokyo, Vietcombank, thậm chí không còn dư nợ tại BIDV - Chi nhánh Hà Thành và Indovina
Các khoản vay được thanh toán gốc một lần vào cuối thời hạn của từng lần giải ngân, lãi suất từ 3.5 - 6.7%/năm.
Nguồn: BCTC quý 3/2024 của KBSV
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận