Thêm hàng chất lượng, thêm những câu chuyện thành công trên thị trường chứng khoán
Warren Buffet có câu nói “Thị trường giá xuống không đáng ngại. Đây là cơ hội để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty lớn được quản trị tốt với giá hợp lý”.
Trong “cơn lốc” đại dịch Covid-19 vừa qua, thị trường vẫn chứng kiến các nhà đầu tư chuyên nghiệp giải ngân mạnh.
Từ tư duy doanh nghiệp
VinaCapital cho biết họ tận dụng cơ hội này để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank, Vinhomes và Cao su Phước Hòa. Đây đều là các doanh nghiệp dẫn đầu trong các mảng ngân hàng, bất động sản và bất động sản công nghiệp.
Họ cũng đầu tư 15 triệu USD vào một doanh nghiệp tư nhân với tỷ suất hoàn vốn tối thiểu lên tới 18% sau 18 tháng. Nhiều nhà đầu tư tổ chức khác có hành động tương tự.
Theo ông Andy Ho, Trưởng bộ phận Đầu tư của VinaCapital, nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Việt Nam mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức dưới 0%.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể hưởng mức lãi từ chia cổ tức, lãi suất trái phiếu từ 3-4%/năm và lãi tiền gửi 6-7%/năm. Tuy nhiên, cơ hội để giải ngân lại không nhiều. Bởi thế, nhà đầu tư nước ngoài muốn thấy việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và tìm kiếm các cơ hội đầu tư qua đó.
Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nước ngoài khác khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán cũng cho rằng, muốn gia tăng sự hấp dẫn, thị trường chứng khoán Việt Nam cần thêm hàng hóa chất lượng, những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp lành mạnh.
Khi nền kinh tế khó khăn, những doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ sự dấn thân tìm ra những con đường, cách làm mới, giúp nhà đầu tư tận hưởng được “trái ngọt” khi gửi gắm niềm tin vào những “hạt giống tốt” của thị trường.
Việc Việt Nam tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) một mặt sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho nền kinh tế, mặt khác đặt ra những áp lực đổi mới thể chế kinh tế theo hướng bình đẳng, minh bạch theo yêu cầu của luật chơi kinh tế toàn cầu và sức ép với các doanh nghiệp là không hề nhỏ.
Trong khi hiện nay, sau một thời gian khá dài phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thiếu bài bản, nhiều doanh nghiệp đang bộc lộ các điểm yếu căn bản. Đó là quản trị lạc hậu, đầu tư thiếu bài bản, sử dụng nguồn lực dễ dãi…
Có không ít lãnh đạo doanh nghiệp đã tận dụng thị trường chứng khoán để huy động vốn, rồi mang đồng vốn đó tiêu xài vào những mục tiêu xa xỉ, thậm chí cả tiêu dùng cá nhân. Kết quả là doanh nghiệp lao đao, ngừng hoạt động, doanh nhân buộc phải rời khỏi thương trường.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cú sốc do tác động từ đại dịch Covid-19 đã kịp thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự dễ dãi và bị động trong việc lựa chọn công nghệ và thị trường, dẫn tới sự thất bại của một số doanh nghiệp, bởi sức chịu đựng và khả năng chống chọi thấp.
Thách thức trên hành trình phát triển của mỗi doanh nghiệp là khó lường. Mới đây, sự việc RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại 32 bang trên khắp nước Mỹ đã nộp đơn xin phá sản sẽ khiến CTCP May Sông Hồng (mã MSH) phải trích lập dự phòng toàn bộ công nợ phải thu 215 tỷ đồng mới phát sinh trong năm 2020.
Vẫn còn may vì toàn bộ công nợ năm 2019 của RTW Retailwinds đã được thanh toán hết.
MSH cho biết, Công ty đang tìm kiếm khách hàng thay thế. Trong ngắn hạn, MSH chịu tác động mạnh vì RTW Retailwinds là 1 trong 3 khách hàng truyền thống, chiếm 13% tổng doanh thu của Công ty.
Tuy nhiên, về dài hạn, MSH vẫn phát triển theo các chiến lược đã đặt ra, bởi việc một số đối tác khó khăn có thể nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã được Công ty lường trước.
Quan trọng nhất, MSH là doanh nghiệp có nội lực tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận ròng thuộc Top đầu nhóm doanh nghiệp dệt may Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp FDI.
Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu những cú sốc tương tự và đủ năng lực chống đỡ? Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói rằng, không có con đường nào khác, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để vững vàng bước chân vào cuộc chơi toàn cầu.
Đến tư duy quốc gia
Trong những trận chiến mới để trở thành hàng hóa chất lượng trên thị trường, trở thành những ví dụ sinh động về thành công, ngoài nỗ lực bản thân, doanh nghiệp cần gì?
“Nền kinh tế đang cần một luồng sinh khí mới. Sẽ phải có một sự đột phá để khơi dậy tinh thần, ý chí kinh doanh”, ông Cung nói.
Theo chuyên gia này, nhất thiết phải có những giải pháp để phân bổ lại nguồn lực, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của doanh nghiệp, để người dân chọn doanh nghiệp là một kênh tốt nhất để đầu tư, bỏ vốn vào doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán một cách dài hạn.
Ở tầm vĩ mô, có thể chờ đợi vào điều gì? Tại cuộc họp công bố các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật PPP mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ luật đã cụ thể hóa, thể chế hóa việc Hiến pháp 2013 quy định rằng, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm, thay vì được làm những gì mà pháp luật cho phép trước đây.
Với những sửa đổi quan trọng, doanh nghiệp sẽ trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, tăng cường thu hút, huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình vận động và chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt là việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp cũng phải theo kịp bước tiến này để lớn hơn về quy mô, đổi mới khoa học - học nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao trình độ quản trị…, để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra được các thương hiệu và chuỗi giá trị của chính các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong một cuộc trò chuyện tại Tập đoàn Viettel, tỷ phú Phạm Nhật Vượng kể câu chuyện khiến tinh thần tự tôn dân tộc của nhiều người trong khán phòng được đánh thức.
Ông Vượng nhận được rất nhiều lời mời gặp gỡ các chủ tịch, lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới, nhưng ông hầu như ít tham dự.
Bởi lẽ, tại Việt Nam, Vingroup đang là doanh nghiệp lớn, được coi là một trong những sếu đầu đàn, nhưng nếu so với quy mô của các tập đoàn toàn cầu còn rất “khiêm tốn”.
“Mình nhỏ bé quá, có gặp họ cũng khó đưa ra được trao đổi, hợp tác nào đáng kể”, lời tự sự của ông Vượng là điều đáng phải suy ngẫm.
Như dòng chảy tất yếu, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ phát triển và ngày càng phát huy được vai trò kênh dẫn vốn quan trọng, giúp nhiều doanh nghiệp lớn lên.
Hãy cứ ước mơ sẽ có những hạt giống tốt được vun trồng, để có một ngày, Việt Nam có những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp khu vực và toàn cầu, giống như nhắc đến Hàn Quốc người ta nghĩ đến Samsung, nói đến Nhật Bản nghĩ ngay đến Toyota, Honda...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận