Thêm dấu hiệu căng thẳng xuất hiện ở biên giới tranh chấp Trung - Ấn
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mà quân đội hai nước vẫn tăng cường điều động binh sĩ và vũ khí tới vùng biên.
Quân đội Trung Quốc đã cho triển khai ít nhất 1 máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K tới vùng biên giới giáp với Ấn Độ. Theo các nhà phân tích, động thái của Trung Quốc nhằm cảnh báo quân đội Ấn Độ tránh xa những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng vùng biên trong mùa đông năm nay.
Nhân kỷ niệm 72 năm thành lập lực lượng không quân của quân đội Trung Quốc hôm 11/11, đài truyền hình trung ương CCTV đã cho công bố đoạn video ghi lại cảnh oanh tạc cơ H-6K bay qua dãy núi Himalaya. Tuy nhiên, hình ảnh video cho thấy chiếc H-6K được trang bị tên lửa tầm ngắn KD-63, chứ không phải là tên lửa hành trình tầm xa CJ-20. Trong khi đó, CJ-20 được thiết kế riêng để tích hợp với oanh tạc cơ H-6K.
Một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh nhấn mạnh, H-6K thường “đóng quân” ở tỉnh Thiểm Tây. Nhưng kể từ năm ngoái, các máy bay này được điều động tạm thời tới thành phố Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương.
Hiện dàn oanh tạc cơ H-6K nằm dưới sự điều hành của Chiến khu Tây Bộ bao gồm các quân khu Tân Cương và Tây Tạng đảm nhận nhiệm vụ giám sát an ninh biên giới sát với Ấn Độ.
“Quân đội Trung Quốc điều động các máy bay H-6K tới khu vực biên giới Trung - Ấn là điều cực kỳ dễ dàng, bởi các máy bay này hiện đồn trú ở Chiến khu Tây Bộ”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nguồn tin.
Với phạm vi tấn công hơn 3.500 km, ngoài các tên lửa tầm ngắn như KD-63, oanh tạc cơ H-6K được thiết kế để mang theo tên lửa hành trình tầm xa CJ-20 thực hiện tấn công mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Nhà quan sát quân sự ở Macau là ông Antony Wong Tong nhận định, hoạt động triển khai bất ngờ H-6K “rõ ràng là lời cảnh báo gửi tới Ấn Độ”.
“New Delhi hiện nằm trong phạm vi tấn công của H-6K, cùng tên lửa CJ-20”, ông Wong nhấn mạnh.
Song nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho rằng, quân đội Trung Quốc không chú trọng tấn công thủ đô New Delhi, mà thay vào đó nhắm tới các căn cứ không quân, bãi phóng tên lửa và đồn bốt quân sự nằm gần biên giới của Ấn Độ.
“Trung Quốc sẽ không tấn công các khu vực dân sự. Do đó, New Delhi sẽ không phải là mục tiêu tấn công của các tên lửa phóng từ trên không, ngay cả khi thủ đô của Ấn Độ nằm khá gần với khu vực biên giới giáp Trung Quốc”, ông Song nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Quân sự và Công nghệ Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhấn mạnh hình ảnh mà CCTV công bố không có tên lửa tầm xa CJ-20.
“Đây là lời cảnh báo mang tính thận trọng từ phía quân đội Trung Quốc. Rõ ràng video được CCTV công bố cho thấy oanh tạc cơ H-6K không trang bị tên lửa CJ-20. Trung Quốc muốn xung đột biên giới với Ấn Độ không gia tăng thêm căng thẳng, bởi đại dịch Covid-19 dường như sẽ còn tồi tệ hơn trong mùa đông năm nay”, ông Zhou cho biết.
Trong bản tin CCTV còn cho biết quân đội Trung Quốc ở quân khu Tân Cương đã tiến hành huấn luyện bắn đạn thật vùng cao ở núi Karakoram. Mục đích của cuộc diễn tập là thực hành khả năng tiêu diệt xe tăng và đồn bốt quân sự của đối phương.
Đáp trả trước hành động điều động khí tài của quân đội Trung Quốc, không quân Ấn Độ đã điều các tiêm kích Mig-29UPG và Su-30MKI tới căn cứ không quân tiền tuyến ở Ladakh, Sikkim và Arunachal Pradesh. Đây là 3 khu vực chính xảy ra tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn và nằm dọc Đường Kiểm soát thực (LAC) dài 3.488 km trên dãy Himalaya.
Hôm 11/11, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ là Đại tướng Bipin Rawat tuyên bố Trung Quốc hiện là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Ấn Độ.
Ông Rawat nhấn mạnh, hàng chục ngàn binh sĩ và vũ khí được Ấn Độ triển khai nhanh chóng tới khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya vào năm 2020 sẽ không thể trở lại căn cứ thường trực trong một thời gian dài.
Tướng Rawat thừa nhận, “mất lòng tin và hoài nghi” đang gia tăng trong quá trình Trung - Ấn đàm phán để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới.
Hồi tháng 10, các tướng chỉ huy quân đội Trung - Ấn cũng đã gặp thất bại trong vòng đàm phán thứ 13. Sau cuộc gặp, hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau làm cản trở tiến trình hòa giải. Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đưa ra những yêu cầu vô lý, trong khi Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc không đưa ra được những biện pháp để cải thiện tình hình.
Sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan vào tháng 6/2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng, quân đội hai nước đã có thêm động thái tăng cường quân và vũ khí tới sát biên giới, đồng thời xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác hậu cần và điều động nhân lực.
Thậm chí, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã cho thay đổi chiến lược thi hành suốt thời gian dài tập trung đối phó với Pakistan sang Trung Quốc.
Tướng Rawat nhấn mạnh thêm, “Ấn Độ đã chuẩn bị đối phó trước mọi sự việc bất ngờ bùng nổ ở biên giới và trên biển”.
Bình luận của ông Rawat trùng khớp với tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Ấn Độ về việc Trung Quốc cho triển khai xây dựng nhiều công trình ở nơi mà Trung Quốc và Ấn Độ cùng tuyên bố chủ quyền. Theo ông Rawat, Trung Quốc đã cho xây các ngôi làng nằm dọc LAC, nơi được xem là biên giới chia cắt lãnh thổ Trung - Ấn.
“Trung Quốc cho xây nhiều ngôi làng có thể dùng làm nơi ở cho dân thường hoặc phục vụ mục đích quân sự trong tương lai ở dọc LAC nhất là sau những xung đột gần đây”, ông Rawat nói thêm.
Đáng nói, quân đội Ấn Độ đang trải qua quá trình cải tổ quy mô lớn nhất kể từ khi quốc gia này giành được độc lập cách đây 70 năm. Hiện Ấn Độ cho thay đổi quy mô hoạt động tương tự như các đội quân hiện đại trên thế giới là Mỹ, Australia và Trung Quốc.
Cụ thể, Ấn Độ muốn tích hợp hoạt động của lục quân, không quân và hải quân, giữa lúc Mỹ, Anh và Australia công bố kế hoạch triển khai thêm các tàu ngầm hạt nhân tới vùng biển châu Á – Thái Bình Dương theo dự án AUKUS.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận