Thế khó của Hòa Bình (HBC)
Gần đây, một số nhà thầu phụ cho tổng thầu Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) tuyên bố tạm dừng thi công tại một số dự án nếu không được Hòa Bình thanh toán công nợ.
Nợ xấu dắt dây
Ngày 4/3/2023, một số nhà thầu, gồm Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Bách Việt, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật và xây dựng Hoàng Anh, Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Phú Đức, Công ty cổ phần Cơ điện KDG Việt Nam, Công ty cổ phần Kỹ thuật Long Giang và Công ty cổ phần Xây lắp và dịch vụ kỹ thuật ICD Việt Nam đã có công văn gửi đến một số chủ đầu tư về việc tạm dừng thi công tại một số dự án.
Nhóm nhà thầu này cho biết, hiện tổng thầu Xây dựng Hòa Bình chưa thanh toán công nợ (có công nợ từ tháng 7/2022 đến nay) và việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của họ.
Phản hồi về thông tin trên, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt gặp khó khăn, nên có một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng chính sản phẩm bất động sản của họ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng”.
Ngoài bất động sản, ông Hải còn kêu gọi các nhà thầu phụ cấn trừ nợ bằng thiết bị thi công xây lắp: “Hoà Bình có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho, nếu quý công ty nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Hòa Bình để đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất”.
Nói về những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, ông Hải cho biết: “Trong lịch sử phát triển hơn 35 năm qua, chưa một lần nào Hòa Bình để xảy ra việc trễ hạn thanh toán nợ và lãi đến hạn cho các ngân hàng. Vì vậy, những ngân hàng lâu năm gắn bó với Hòa Bình đều rất tin tưởng và cam kết đồng hành và hỗ trợ tối đa cho chúng tôi. Tuy nhiên, do các chính sách về hạn mức tín dụng trong thời gian qua của Nhà nước còn bị thắt chặt nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Hòa Bình vẫn đang tiếp tục khẩn trương thu hồi nợ và cơ cấu lại nguồn vốn của Công ty, qua đó, tìm cách bù đắp các thiếu hụt về tài chính khi nguồn vay từ ngân hàng chưa kịp đáp ứng đủ cho dòng tiền”.
Cuối năm 2022, Hòa Bình có 12.110 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, trong đó có gần 6.773 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Hòa Bình cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2022, Công ty có 12.110 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, trong đó có gần 6.773 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Nợ xấu của Công ty tăng vọt trong năm 2022, khi Công ty phải trích lập dự phòng 774 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với con số 369 tỷ đồng hồi đầu năm. Ở chiều ngược lại, Hòa Bình có khoản nợ ngắn hạn lên tới 14.283 tỷ đồng, trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn là 4.738 tỷ đồng.
Có thể thấy, thị trường bất động sản nguội lạnh, chủ đầu tư dự án nhà ở gặp khó khăn đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà thầu xây lắp, trong đó có Hòa Bình.
“Hạt sạn” quản trị doanh nghiệp
Nợ xấu dắt dây (bị chủ đầu tư chậm thanh toán, nợ xấu lớn, dẫn đến chậm trả cho nhà thầu phụ) đang là tình trạng chung ở nhiều doanh nghiệp ngành xây lắp. Nhưng theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, không phải ở mọi dự án nhóm thầu phụ lên tiếng bị nợ tiền thi công đều xuất phát từ việc chủ đầu tư chậm thanh toán cho tổng thầu Hòa Bình.
Chẳng hạn, tại dự án Southern Star Giải Phóng (Hà Nội) do Geleximco làm chủ đầu tư, lãnh đạo tập đoàn này cho biết, Geleximco đã thanh toán toàn bộ tiền theo hợp đồng tổng thầu cho Hòa Bình. Dự án này đã được nghiệm thu, cư dân vào ở từ tháng 6/2022.
“Làm tới đâu, chúng tôi thanh toán đầy đủ tới đó”, lãnh đạo Geleximco khẳng định.
Tương tự, ở dự án Trường liên cấp Phenikaa (gồm khối trường tiểu học 5 tầng và khối THCS và THPT 7 tầng, xây dựng trên tổng diện tích 6,6 ha), do Tập đoàn Phenikaa làm chủ đầu tư, lãnh đạo tập đoàn này cho biết không có công nợ với Hòa Bình.
“Hiện còn một khoản 24 tỷ đồng Phenikaa chưa thanh toán cho Hòa Bình, nhưng nguyên do là nhà thầu chưa hoàn thành hồ sơ. Khi nào Hòa Bình xong hồ sơ, trường liên cấp sẽ thanh toán ngay. Tập đoàn luôn sẵn tiền và không chậm thanh toán bất cứ khoản nào đã ký hợp đồng với Hòa Bình”, lãnh đạo Phenikaa chia sẻ.
Theo kinh nghiệm được lãnh đạo một doanh nghiệp trong Top 10 nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, ở công ty xây dựng này, việc quản trị rủi ro và minh bạch dòng tiền được chú trọng hàng đầu, tức là tiền cho dự án nào được sử dụng và giải ngân đúng cho dự án đó, không đắp đổi qua các dự án khác. Vì thế, nguồn việc mới hạn chế nhưng dòng tiền của doanh nghiệp không bị tắc, do các chủ đầu tư vẫn túc tắc giải ngân cho các công trình đang thi công.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, với việc nợ đọng lớn, nợ xấu cao, năng lực tài chính của Hòa Bình đã và đang suy yếu. Để cân đối dòng tiền, Công ty phải tăng vay nợ, với tổng nợ vay và thuê tài chính là 6.130 tỷ đồng; trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 5.100 tỷ đồng.
Nợ vay lớn, chi phí lãi vay lên tới 520,8 tỷ đồng, cộng với việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 940 tỷ đồng khiến Công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong năm 2022. Với khoản lỗ này, năm qua đánh dấu năm đầu tiên Hòa Bình kinh doanh thua lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty đạt hơn 16.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thu hẹp đáng kể, chỉ còn hơn 2.600 tỷ đồng do khoản lỗ trong quý IV. Phần lớn tài sản của HBC được xây dựng từ nợ phải trả, ghi nhận hơn 14.200 tỷ đồng tính tới cuối năm.
Trở lại với câu chuyện nhóm nhà thầu phụ tuyên bố tạm dừng thi công do Hòa Bình chậm thanh toán nợ, việc này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án mà Công ty đang làm tổng thầu (khi nhà thầu phụ dừng thi công), mà có thể ảnh hưởng tới khả năng trúng thầu cũng như triển khai các công trình mới bởi chủ đầu tư ít nhiều e ngại.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo công ty xây dựng trong Top 10 thị trường, thông thường, các chủ đầu tư sẽ ứng trước cho nhà thầu một khoản, tuy vậy, để được giải ngân số tiền này, phía nhà thầu phải có bảo lãnh tạm ứng từ phía ngân hàng.
Nếu như giai đoạn trước, ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ bảo lãnh bằng tín chấp thì gần đây, nhà thầu phải có tài sản đảm bảo cho khoản bảo lãnh này. Ngoài ra, ngân hàng cũng thường dành hạn mức vay cho các nhà thầu nhưng họ chỉ giải ngân khi tiền chủ đầu tư rót về. Nếu tắc dòng tiền này, lập tức ngân hàng cũng ngừng giải ngân dù họ thừa vốn.
Như vậy, dù những tranh chấp vị trí lãnh đạo cấp cao nhất đã được giải quyết nhưng với Hòa Bình cũng như cá nhân Chủ tịch Lê Viết Hải, phía trước có quá nhiều thách thức. Việc thu hồi công nợ, tái cấu trúc tình hình tài chính để Hòa Bình “mạnh khỏe” hơn không phải là bài toán dễ giải trong bối cảnh liên thị trường, từ thị trường bất động sản tới thị trường tài chính đều đang rất khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận