24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thế giới chờ Trung Quốc thể hiện trong mục tiêu ‘100 năm thứ hai’

Trung Quốc sẽ là một cường quốc không an toàn và bất ổn, hay là một cường quốc tự tin và có trách nhiệm, trong mục tiêu “100 năm thứ hai”?

Trong bài phát biểu trước 70.000 người tại quảng trường Thiên An Môn, đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vào ngày 1/7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi những thành tựu của CPC và tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng chống lại "các thế lực nước ngoài nào" bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục người dân nước này.

Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định, Bắc Kinh "phản đối chủ nghĩa bá quyền" và "sẽ không bao giờ bắt nạt, đàn áp hoặc bắt người dân của bất kỳ quốc gia nào khác phải khuất phục". Chủ tịch Trung Quốc còn tuyên bố nước này luôn "nỗ lực để bảo vệ hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và giữ gìn trật tự quốc tế".

Bảo vệ nền kinh tế đang bùng nổ

Theo ông Han Wenxiu, một quan chức của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, nền kinh tế Trung Quốc đã tiếp tục bùng nổ, với quy mô tăng vọt 189 lần kể từ năm 1949, nhờ vào sự lãnh đạo của CPC.

Phát biểu tại cuộc họp báo nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập CPC, vị quan chức này phân tích, khi được thành lập vào năm 1949, Trung Quốc khi đó thậm chí không thể sản xuất nổi một cái máy kéo, nhưng hiện nay Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tất cả các ngành công nghiệp được liệt kê trong phân loại công nghiệp của Liên hợp quốc, với trên 220 sản phẩm công nghiệp, bao gồm ô tô và máy tính, đang dẫn đầu toàn cầu.

Trong vòng 70 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng khoảng 189 lần, với tổng quy mô kinh tế đã vượt quá 100 nghìn tỷ Nhân dân tệ, và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Hiện nền kinh tế nước này cũng chiếm hơn 17% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt quá 10.000 USD so với chỉ hàng chục USD của 7 thập niên trước.

Theo như ông Han Wenxiu, kể từ khi CPC tiến hành cải cách và mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc đã đưa khoảng 770 triệu nông dân nghèo khó thoát khỏi đói nghèo, chiếm hơn 70% tổng số dân trên thế giới.

Đây là một trong những thành tựu nổi bật được đánh giá là điểm nhấn trong thành quả 100 năm của CPC. Trong năm 2020, Trung Quốc tự tin công bố xóa sổ hoàn toàn “tình trạng nghèo đói cùng cực” tại khu vực nông thôn sau 40 năm cải cách và mở cửa.

Tuy nhiên, song song với những bước phát triển tột bậc, với quy mô dân số khổng lồ, Trung Quốc vẫn còn những vấn đề cản trở tham vọng trở thành cường quốc thế giới. Chẳng hạn, sự cẩn trọng trong lựa chọn ngôn từ như “thắng nạn nghèo đói cùng cực” tại khu vực nông thôn đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chưa giải quyết được nạn đói thông thường và mức sống khổ cực của người dân ở khu vực đô thị.

Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng toàn diện với vấn đề nghèo đói tại nông thôn. Nhưng theo nhiều chuyên gia, trong đó có Phó Giáo sư Khoa học Chính trị, Đại học Quản lý Singapore John Donaldson, chuyên nghiên cứu về nghèo đói khu vực nông thôn tại Trung Quốc trong 2 thập niên qua, thực tế vẫn còn hàng triệu người Trung Quốc chật vật để duy trì nhu cầu sống cơ bản.

Theo chuyên gia Donaldson, áp tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), dựa trên GDP/người của Trung Quốc năm 2019, tiêu chuẩn xét nghèo tại Trung Quốc cần phải ở mức 5,5 USD/ngày, tức là cao gấp đôi so với mức 2,3 USD/ngày mà Bắc Kinh đang áp dụng.

Do đó, trong thời gian tới, Bắc Kinh vẫn chưa thể rời mắt khỏi một vấn đề lớn trong nền kinh tế là xóa đói giảm nghèo!

Bước ngoặt quan trọng

Bài diễn văn kéo dài khoảng 70 phút của Chủ tịch Trung Quốc có đoạn nhấn mạnh, Bắc Kinh đã hoàn thành "mục tiêu 100 năm" đầu tiên là xây dựng xã hội toàn diện khá giả, đạt vị thế trung lưu nhờ GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với 10 năm trước và đang hướng đến việc chinh phục mục tiêu “100 năm thứ hai” là xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.

Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc hiện là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới các nền kinh tế và làm đứt gãy chuỗi cung ứng, Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020.

Bên cạnh những thành quả vượt bậc về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, nỗ lực chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị được CPC tiến hành nhiều năm qua đã đem lại những kết quả rõ rệt, góp phần làm gia tăng uy tín.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cục diện thế giới đang diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu, Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước, như sự phát triển không đồng đều, thiếu bền vững, kinh tế tăng trưởng chậm lại, dân số đang già đi, lực lượng lao động thu hẹp, tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, ô nhiễm môi trường và nỗ lực đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc từ một số nước phương Tây...

Điều đó đòi hỏi CPC tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, hoạch định đường hướng cũng như lộ trình cụ thể để vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành những mục tiêu đặt ra, đặc biệt là mục tiêu “100 năm thứ hai” vào năm 2049.

Trong bối cảnh hiện nay, từ sự kiện mang tính bước ngoặt này, một trong những câu hỏi chính mà thế giới đặt ra về tương lai của Trung Quốc là “Liệu Trung Quốc có thể trở thành một quốc gia đổi mới đẳng cấp thế giới?".

Ông Tập Cận Bình đã đặt phần lớn chiến lược phát triển kinh tế của mình vào việc biến Trung Quốc thành một quốc gia đổi mới tầm cỡ thế giới. Điều này lần đầu tiên đã trở nên rõ ràng trong chương trình “Made in China 2025 - Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, được triển khai vào năm 2015 và gần đây hơn, là mệnh lệnh trở thành quốc gia “tự lực cánh sinh” trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Câu hỏi thực ra không phải là liệu Trung Quốc có đổi mới hay không - nước này đã và đang đổi mới trong nhiều lĩnh vực và công nghệ khác nhau, từ robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, đường sắt tốc độ cao, thám hiểm không gian, xe điện, y sinh, thiết bị y tế… và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Tuy nhiên, câu hỏi liên quan nảy sinh, đó là sự đổi mới của Trung Quốc sẽ có sức lan tỏa như thế nào và nó sẽ đến từ đâu? Liệu sự đổi mới của Trung Quốc có thể diễn ra trong một môi trường nửa cô lập hay không (tách biệt “tự lực cánh sinh”)?.

Trên bình diện quốc tế, sự trỗi dậy, tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng và thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đã phần nào làm xói mòn danh tiếng của quốc gia này. Một thách thức lớn khác mà CPC phải đối mặt là sự cạnh tranh quyết liệt từ Mỹ và các nước đồng minh trong nhiều vấn đề từ kinh tế đến chính trị - xã hội.

Vậy, Trung Quốc sẽ là một cường quốc không an toàn và bất ổn, hay là một cường quốc tự tin và có trách nhiệm trong bối cảnh, như chuyên gia về chính trị Trung Quốc, Giáo sư David Shambaugh (Đại học George Washington) đã nêu ra, chủ nghĩa dân tộc nhiều khi sẽ không có lợi cho Bắc Kinh hoạt động như một cường quốc tích cực, tự tin và ổn định trong thế giới ngày nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả