24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thiên Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thế giới biến động, giá cà phê trong nước lao dốc

Từ diễn biến mới trên thế giới, dự báo giá cà phê Tây Nguyên và miền Nam tiếp tục lao dốc.

  • • Nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát, biểu tình gây bất ổn
  • • Các lô hàng xuất đi châu Âu phần lớn bị hủy
  • • Giao dịch chậm, nông dân có xu hướng chặt bỏ cà phê

Suốt thời gian qua, giá cà phê trong nước lên hay xuống phụ thuộc vào đà tăng, giảm trên sàn giao dịch London. Diễn biến trên sàn này đã phản ứng tiêu cực với những tác động mới.

Giá cà phê trong nước tìm đáy 15 năm

Sáng ngày 19/6, giá cà phê nguyên liệu trong nước giảm theo đà giảm của thế giới. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam đang dao động trong khoảng 30.400 - 30.900 đồng/kg, giảm từ 700 - 800 đồng/kg so với 1 tuần trước đó (12/6) và giảm 200 - 400 đồng/kg so với tháng 5/2020.

Cụ thể, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) hiện ở mức 30.400 đồng/kg, tương tự giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà cũng giảm về mức 30.300 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar, Ea H'leo, Buôn Hồ (ĐắkLắk) hiện ở mức 30.900 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cà phê tại Gia Lai (Chư Prông, Pleiku và Ia Grai), Đắk Nông (Đắk R'lấp, Gia Nghĩa) có giá giao dịch 30.800 đồng/kg. Tại Kon Tum (Đắk Hà) quanh mức 30.700 đồng/kg. Tại TP.HCM giá cà phê R1 giao tại cảng ở ngưỡng 33.000 đồng/kg. Giá cà phê xuống thấp nên giao dịch chậm.

Tuy nhiên, đây chưa phải là “ngày đen tối nhất”, bởi trước đó vào ngày 28/3, giá cà phê trong nước lần đầu tiên rớt khỏi mốc 30.000 đồng/kg (giao dịch ở mức 29.700 - 29.800 đồng/kg), thấp hơn giá thành 32.000 - 33.000 đồng/kg, và mức giá này chạm đáy 15 năm.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), không phải tới nay giao dịch cà phê tại Việt Nam mới chậm lại, mà tình trạng này đã xuất hiện từ một tháng qua do nông dân bán gần hết hàng trước khi kết thúc vụ mùa 2019/20.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, dịch bệnh tràn lan ở châu Âu khiến hầu hết nhà máy chế biến cà phê ở đây phải đóng cửa, công nhân nghỉ làm việc, các lô hàng xuất đi châu Âu phần lớn bị hủy.

“Việt Nam quản lý dịch bệnh rất tốt, tương lai gần sẽ tuyên bố hết dịch nhưng cho dù chúng ta hết dịch mà các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam vẫn còn dịch bệnh thì tiêu thụ sẽ giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu là khó tránh khỏi”, ông Nam nói.

Giá cà phê liên tục sụt giảm và hiện đã gần mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Điều này khiến nông dân có xu hướng chặt bỏđể thay thế loại cây khác. Các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, ngành cà phê nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 6/2020 đạt 63.800 tấn, với 108,08 triệu USD. Ước xuất khẩu tháng 6/2020 đạt 127,600 nghìn tấn với 216,16 triệu USD, so với tháng 6/2019 giảm 10,42% về lượng và giảm 9,23% về trị giá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, đạt 942.616 tấn với 1,482 tỷ USD, so với cùng kỳ 2019 tăng 2,56% về lượng nhưng giảm gần 0,6% về trị giá.

Giá xuất khẩu cà phê bình quân trong tháng 5/2020 đạt mức 1.680 USD/tấn, giảm 0,4% so với tháng 4/2020, nhưng tăng 2,4% so với tháng 5/2019.

Sàn London chìm trong sắc đỏ

Mở cửa phiên giao dịch ngày 19/6, giá cà phê thị trường thế giới giảm, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2020 giảm 16 USD/tấn (mức giảm 1,39%) giao dịch ở mức 1.134 USD/tấn.

Các chuyên gia cho rằng, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tràn lan ở Mỹ và lan rộng ra châu Âu, Canada… đã làm cho sàn chứng khoán Mỹ và London có các phiên lao dốc.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vừa bùng phát trở lại ở Bắc Kinh, trong khi Mỹ đối mặt với nguy cơ tái bùng phát, còn tại châu Âu, một số thành phố lại một lần nữa phải áp dụng các biện pháp phong tỏa sau khi tình trạng lây nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tái phát trong những ngày qua đã trở thành mối lo mới của các thị trường nói chung.

Trong khi đó, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhà sản xuất Brazil sẽ thu hoạch vụ mùa mới năm nay với ước đoán sản lượng khoảng 67,9 triệu bao, tăng tới 14,5% so với vụ năm ngoái vì chu kỳ “năm thất”, trong khi vụ thu hoạch tới của Việt Nam sẽ giảm nhẹ vì thời tiết không thuận lợi vào đầu vụ.

Điều này góp phần dẫn đến sản lượng toàn cầu niên vụ 2020/2021 sẽ đạt kỷ lục 176,08 triệu bao và do đó, tồn kho toàn cầu sẽ tăng 18,18% lên ở mức 42 triệu bao vào cuối niên vụ cà phê này. Khả năng cắt giảm 0,75% lãi suất đồng Reais lần này, xuống ở mức 2,25%/năm, trong khi lãi suất USD đã ở xấp xỉ mức 0%/năm, rõ ràng là không có lợi cho các nước sản xuất cà phê.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở TP.HCM cho biết: “Khi vào vụ thu hoạch nông dân đã bán ra một lượng lớn cà phê họ có nên lượng cà phê trong dân không còn nhiều. Bây giờ giá cà phê đang xuống thấp bà con không vội bán phần còn lại nên giao dịch có phần chậm lại. Nếu cần các nhà xuất khẩu có thể tìm đến Indonesia để mua cà phê Robusta nhưng giá có thể cao hơn nhiều so với giá trong nước”.

Niên vụ cà phê 2020/21, sẽ thu hoạch trong quý 4/2020 nhưng có nhiều dự đoán sản lượng cà phê trong vụ mới sẽ giảm 10% so với niên vụ trước, do hạn hán đến sớm mọi năm nên kích cỡ trung bình của hạt cà phê nhỏ hơn và do có một số diện tích bị thay thế bởi cây trồng khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả