Thấy gì từ doanh nghiệp niêm yết đầu tiên làm thủ tục phá sản?
Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn thành lập được gần 20 năm và có hơn 10 năm lên sàn vẫn đều đặn ghi nhận lãi hàng năm trên sổ sách. Tuy nhiên chỉ sau năm báo lỗ đầu tiên (2019) doanh nghiệp đã tiến hành thủ tục xin phá sản. Điều này cho thấy dù cấu trúc vốn ổn định nhưng chất lượng nợ vay, tài sản đảm bảo có nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp khó khăn về tài chính.
Tòa án nhân dân TPHCM và quản tài viên đã thông báo về quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn (SPP). Theo đó, các chủ nợ cần gửi giấy đòi nợ kèm các tài liệu chứng minh trong vòng 30 ngày ra thông báo để thực hiện quyền đòi nợ.
Nhiều nhà đầu tư có thể bất ngờ khi SPP kinh doanh nhiều năm có lãi và từng đề cập bán vốn cho đối tác nước ngoài đến nay bị mở thủ tục phá sản. Nhìn lại báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh của SPP cũng cho thấy được nhiều điểm đáng chú ý trong quá trình hoạt động của SPP.
Phá sản ngay sau năm đầu tiên báo lỗ
SPP tiền thân là Công ty TNHH Bao Bì Nhựa Sài Gòn, được thành lập từ năm 2001. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bao bì, màng ghép phức hợp, bao bì nhựa, bao bì giấy và bao bì kim loại.
Đến năm 2007, SPP chuyển đổi sang hình thức Công ty cổ phần. Sau đó một năm, cổ phiếu của công ty được niêm yết trên sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán SPP. Trong quá trình hoạt động, đơn vị này tăng vốn từ mức 35 tỉ của năm 2008, lên 251 tỉ đồng như hiện tại.
Trong nhiều năm, doanh thu của SPP liên tục tăng trưởng, vượt mốc 1.000 tỉ đồng vào năm 2017; tuy vậy lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt trên 20 tỉ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 cho thấy kết quả kinh doanh của công ty này sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể doanh thu chỉ đạt 255 tỉ đồng, giảm 77%; lỗ tới 720 tỉ đồng. Đáng nói đây cũng là lần đầu tiên SPP thua lỗ kể từ thời điểm lên sàn.
Với tình trạng khó khăn dẫn đến việc phá sản, viễn cảnh đảo chiều lợi nhuận cuối năm 2019 của SPP không quá sáng sủa. Với trường hợp này, đây có thể là năm đầu tiên công ty thua lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Dù thua lỗ, cấu trúc vốn chủ sở hữu cho thấy vốn góp của cổ đông vẫn được bảo toàn. Công ty có hơn 27 tỉ lợi nhuận chưa phân phối, hơn 5 tỉ quỹ đầu tư phát triển và gần 3 tỉ quỹ khác. Theo đó, tổng vốn chủ sở hữu đạt 279 tỉ đồng, vẫn lớn hơn vốn điều lệ (252 tỉ đồng).
Mặc dù cấu trúc vốn ổn định nhưng chất lượng nợ vay của SPP lại mang nhiều vấn đề, được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khó khăn tài chính của doanh nghiệp.
Hiện tổng vay nợ tài chính của công ty hơn 738 tỉ đồng (tương đương 63% tổng nguồn vốn) tạo áp lực lãi vay lớn. Tỷ lệ nợ này cũng tương đối cao đối với công ty sản xuất, cộng thêm phần lớn là nợ ngắn hạn gây ra rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp.
Điển hình như khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (tài sản ngắn hạn hay nợ ngắn hạn) của công ty chỉ còn mức 0,8 so với mức 1,01 của cùng kỳ năm 2018. Thậm chí khả năng thanh toán nhanh còn giảm từ mức 0,5 về 0,25. Với các hệ số thanh toán nợ dưới 1, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải thanh toán các khoản nợ ngắn hạn này.
Các ngân hàng “mắc kẹt” hơn 700 tỉ đồng cho vay
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, tại thời điểm 31-12-2019, tổng tài sản của SPP còn lại 425 tỉ đồng, bốc hơi gần một nửa so với đầu năm. Báo cáo nhấn mạnh, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn số tiền 618 tỉ đồng, lỗ lũy kế 690 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 438 tỉ đồng. Hoạt động của công ty phụ thuộc khả năng sinh lời trong tương lai và tiếp tục đầu tư vốn của chủ sở hữu.
Hiện BIDV là chủ nợ lớn nhất với số dư gần 400 tỉ đồng. SPP vay số tiền này nhằm tái cơ cấu các khoản vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng và bổ sung vốn lưu động, lãi suất 8,5%/năm. Tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị, nguyên liệu, quyền sử dụng đất của Công ty và quyền sử dụng đất của bên thứ ba.
Tiếp đến là dư nợ gần 130 tỉ đồng tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB) được vay với mục đích bổ sung vốn lưu động, lãi suất 6,25%/năm. Tài sản đảm bảo là khoản tiền thu khách hàng vào tài khoản tương ứng với dư nợ vay và giá trị quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Tân Đô.
Ngoài ra, công ty còn vay hàng chục tỉ đồng tại một số ngân hàng khác như Agribank, Indovina, PVcombank và các cá nhân khác.
Cũng lưu ý rằng dù có vay nợ lớn nhưng tất cả các khoản vay đều đang có tài sản đảm bảo. Trong bản báo cáo thuyết minh, SPP khẳng định tất cả các khoản vay với giá trị 738 tỉ đồng đều có khả năng trả nợ. Công ty không có số vay và nợ thuê tài chính quá hạn chưa thanh toán tính đến 30-9.
Chất lượng tài sản mong manh
Việc âm vốn vì các tài sản đảm bảo không đủ thanh toán. Ngoài ra chất lượng tài sản của SPP cũng không thực sự tích cực khi được xem xét trong bối cảnh đứng bên bờ vực phá sản. Thoạt nhìn với SPP, doanh nghiệp vẫn có quy mô tài sản lớn với 1.171 tỉ đồng (lớn hơn nợ vay) nhưng chất lượng tài sản tương đối mong manh.
Trong đó, hàng tồn kho là tài sản lớn nhất của công ty với giá trị gần 479 tỉ đồng (hơn 40% tổng tài sản). Đây có thể là “đặc thù” của công ty sản xuất, tuy nhiên khi tồn kho cao sẽ gây chiếm dụng vốn lớn và tiêu tốn nhiều chi phí liên quan, nhất là giai đoạn khó khăn. Nếu phân tích chất lượng hàng tồn kho của SPP có thể là vấn đề lớn, do khó xác định sự thiệt hại hay do kiểm kê thiếu…
Không chỉ chiếm dụng vốn ở hàng tồn kho, SPP còn bị chôn vốn ở các khoản phải thu ngắn hạn với tổng giá trị 212 tỉ đồng (18% tổng tài sản) và gây lo ngại về khả năng thu hồi. Trong khi SPP thiếu vốn phải vay nợ ngân hàng, công ty lại cho vay cá nhân ngắn hạn gần 37 tỉ đồng, một khoản phải thu tạm ứng gần 74 tỉ đồng.
Lượng tiền và tiền gửi ngắn hạn của công ty ở mức rất thấp chỉ khoảng 3,5 tỉ đồng. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác sản xuất kinh doanh, đầu tư của SPP.
Về tài sản cố định hữu hình, công ty ghi nhận nguyên giá hơn 323 tỉ đồng bao gồm máy móc thiết bị, nhà cửa, phương tiện vận tải… Tài sản cố định vô hình có nguyên giá hơn 100 tỉ đồng, gần như toàn bộ là quyền sử dụng đất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận