Thấy gì trong kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng mùa đại hội cổ đông?
Tín dụng quý I năm nay bật tăng 12% so với cùng kỳ, mức tăng nhỉnh hơn so với các năm trước. Dù dư địa tín dụng không còn lớn nhưng nhiều ngân hàng vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận cao.
Đơn cử như tại Vietcombank, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Tại ngân hàng thương mại nhà nước khác là BIDV, thậm chí còn kỳ vọng lợi nhuận đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, tức tăng tới 44% so với năm 2020.
TỰ TIN ĐẶT MỤC TIÊU LỢI NHUẬN CAO
Còn tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, OCB cho hay, lợi nhuận trước thuế 2021 mục tiêu tăng khoảng 25%, đạt 5.500 tỷ đồng. Trong khi đó, MBBank dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 20%, tương đương đạt hơn 13.200 tỷ đồng. Tương tự, MSB cũng thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lãi trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.
Đáng chú ý, có một ngân hàng lên kế hoạch tăng tới 70% lợi nhuận trong năm 2021. Cụ thể, với triển vọng lạc quan, SHB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 70% so với năm trước, tương ứng lãi hơn 5.500 tỷ đồng trước thuế. Ngoài ra, ACB, VPBank, Techcombank, HDBank cũng là các ngân hàng đề ra mức lợi nhuận cao, đều trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Thông thường, kỳ vọng về lợi nhuận luôn đi kèm với kỳ vọng về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room), năm nay cũng vậy. Nhưng hiện "room" tín dụng năm nay lại ở mức thấp. Nhìn chung, "room" ban đầu của các ngân hàng giảm từ 1 đến 2,5 điểm phần trăm so với năm trước.
Cụ thể, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho hay, "room" LienVietPostBank được phân bổ là 8,5% thấp xa so với năm ngoái và tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng đã sử dụng khoảng 3%.
Thậm chí, tại MSB, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết, ngân hàng dự kiến cả năm sẽ tăng 25% nhưng "room" được giao chỉ là 10%. "Riêng quý 1/2021, tín dụng của ngân hàng đã tăng tới 9,5%", ông Linh nói.
Tương tự, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng VIB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu tín dụng tăng 31%, nhưng hiện ngân hàng này chỉ được cấp hạn mức 8,5%.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng. Cụ thể kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-14%; kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12%; kịch bản 3 là tín dụng tăng 7-8%. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến hết quý 1/2021, tăng trưởng tín dụng đã đạt 2,93%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, trong điều hành tín dụng, ngoài việc căn cứ vào nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế để điều chỉnh phù hợp thì còn phải dựa vào diễn biến lạm phát.
Ví dụ: lạm phát tháng 3/2021 phải so với tháng trước đó, so với đầu năm 2021 và so với tháng 3/2021 xem tăng/giảm có gì bất thường hay không. Nhưng như thế cũng chưa đủ mà phải cộng dồn 3 tháng đầu năm 2021 chia đều bình quân cho các tháng và lấy kết quả so sánh với bình quân tháng của 3 tháng đầu 2020 để xem quán tính lạm phát cụ thể như thế nào.
Hơn nữa, theo ông Hà, quy luật hàng năm cho thấy tăng trưởng tín dụng đều thấp hoặc tăng nhỉnh hơn chút so với cùng kỳ, quý 2 tăng dần và quý 3, quý 4 tăng mạnh hơn. Bởi vậy, việc tăng trưởng tín dụng không phụ thuộc ý chí các tổ chức tín dụng mà phụ thuộc vào nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế.
KHI LỢI NHUẬN KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO TÍN DỤNG
Trong quý đầu năm, nhiều ngân hàng báo lãi dồn dập với mức tăng trưởng được tính bằng "lần". Và tại kết quả một cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý 2/2021 vừa được Vụ Dự báo - Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 2 còn lên tới 74,8%.
Cũng tại chính cuộc điều tra này, có tới 76,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong cả năm 2021, trong đó 12,2-18,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng "cải thiện nhiều". Xét trên bình diện toàn hệ thống, có tới 87,5% tổ chức tín dụng được điều tra dự kiến lợi nhuận trước thuế "tăng trưởng dương". Điều này cho thấy, các ngân hàng đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh năm 2021.
Tại sao dung lượng tín dụng còn lại không còn lớn nhưng các ngân hàng vẫn lạc quan với lợi nhuận năm nay?
Quan sát nhanh trên các báo cáo kinh doanh đã được công bố, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các ngân hàng đã khéo léo áp dụng công thức tạo lợi nhuận gồm kéo giãn biên lãi ròng (NIM), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí vào thời điểm hiện tại.
Chi tiết hơn, việc lãi suất cho vay đã giảm từ 1–1,5 điểm phần trăm, chậm hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5 điểm phần trăm) đã khiến NIM của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh và hiện ở mức cao, khoảng 4%.
Tại khía cạnh đa dạng hóa nguồn thu, trước đây tín dụng vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng khi chiếm tới 90-99% tổng doanh thu, lợi nhuận. Nhưng việc tăng trưởng tín dụng nhanh cũng đồng nghĩa phải đối mặt với rủi ro nợ xấu lớn.
Do đó, hiện nay các ngân hàng đã chủ động giảm tỷ trọng mảng cho vay xuống còn 70-80%, thậm chí có nơi chỉ còn hơn 50%. Còn lại, thu dịch vụ, thu nhập khác đang tăng mạnh và bắt đầu nằm trong chiến lược phát triển.
Điển hình tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch, xác định: lợi nhuận của ngân hàng tăng sẽ trưởng mạnh trong năm 2021, trong đó các mảng dịch vụ như bán lẻ, và bancassurance sẽ đóng góp chính cho kết quả lợi nhuận của ngân hàng.
Hay như tại HDBank, song song với hoạt động tín dụng tăng trưởng cao, hoạt động dịch vụ cũng bứt phá mạnh mẽ. Riêng thu nhập thuần từ dịch vụ quý I/2021 cao gấp gần hai lần cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp thu nhập thuần dịch vụ tại ngân hàng này đạt tốc độ tăng ấn tượng như trên.
Theo Công ty chứng khoán SSI, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhất là thu nhập từ phí và hoa hồng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bancassurance, mua bán ngoại tệ cũng đều phục hồi. Ngoài ra, khoản thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể cho thu nhập của các ngân hàng. Thống kê của SSI cho thấy tổng trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại sở hữu tăng 69,5%, đạt mức 207.000 tỷ đồng trong quý III/2020, mức tăng mạnh nhất nằm ở các ngân hàng Techcombank, SHB, VPBank, MBBank và TPBank.
Hầu hết các ngân hàng đã "khênh" về và xử lý cơ bản đống nợ tồn tích nhiều năm trước tại VAMC. Nhờ đó, các ngân hàng đã giảm áp lực chôn một đống tiền vào các khoản trích lập.
Chưa kể, chi phí hoạt động của các ngân hàng đang được tiết giảm, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng lợi nhuận. Đặc biệt, nhờ Thông tư 03/NHNN mới, áp dụng lộ trình trích lập dự phòng trong 3 năm, áp lực trích lập giảm bớt, thậm chí nhiều nhà băng có thể hoàn nhập và ghi nhận vào lợi nhuận cũng giúp cho lợi nhuận chung khởi sắc hơn.
Cuối cùng, hầu hết các ngân hàng đã "khênh" về và xử lý cơ bản đống nợ tồn tích nhiều năm trước tại VAMC. Nhờ đó, các ngân hàng đã giảm áp lực chôn một đống tiền vào các khoản trích lập. SHB là trường hợp điển hình sau khi xử lý xong các khoản nợ xấu tại Công ty thuỷ sản Bình An... đã khá tự tin với mục tiêu lợi nhuận năm 2021 như nêu trên.
Đánh giá về vấn đề này, nhóm nghiên cứu tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2021 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi là 26% trong năm 2021, trong đó thu nhập lãi dự kiến tăng 17%. Ngoài ra, hệ số chi phí trên thu nhập (CIR) có thể tăng nhẹ, nhưng chi phí dự phòng sẽ giảm vừa phải (-2%), điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận. Kết quả kinh doanh quý I còn khả quan hơn với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 115% nhờ đóng góp của thu nhập ngoài lãi và chi phí dự phòng tăng trưởng âm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận