Thấy gì trong ba kịch bản kinh tế cho Việt Nam năm 2020 của VEPR?
VEPR cho rằng ở kịch bản kém lạc quan nhất, kinh tế Việt Nam sẽ đi ngang trong quý II và quý II trước khi bật tăng trở lại trong quý IV.
Đánh giá mức tăng trưởng GDP 3,82% của Việt Nam trong quý I PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng là tích cực so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan ở quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên theo VEPR, mức tăng này chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như chưa tính đến các ảnh hưởng tác động với khu vực kinh tế phi chính thức.
VEPR đã đưa 3 kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới.
Kịch bản 1 (Lạc quan): Bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý 2/2020.
Theo kịch bản này, VEPR cho rằng tác động xấu nhất của dịch COVID-19 rơi vào quý 2, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý này. Trong quý này, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 2-3%); Khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm; Ngành chế biến chế tạo có thể có mức tăng trưởng âm trong khi các ngành còn lại trong khu vực 2 ít bị ảnh hưởng.
Trong khu vực 3, bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 20-50%), y tế, truyền thông hay tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.
Và từ quý 3 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây.GDP cả năm của Việt Nam theo kịch bản này sẽ đạt 4,2%.
Ở kịch bản 2 (Trung tính): Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 3/2020.
Theo đó, trong quý 2, quý 3, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1,5 - 4%); Khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm; Chế biến chế tạo kéo dài mức tăng trưởng âm trong hai quý này, các ngành còn lại trong khu vực 2 ít bị ảnh hưởng.
Trong khu vực 3, bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải & kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 25-70%), y tế, truyền thông hay tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.
Bắt đầu từ quý 4 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây.GDP cả năm sẽ đạt 1,5%.
Kịch bản 3 ở trạng thái kém lạc quan nhất. Bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 4/2020.
Trong quý 2 và quý 3, nông nghiệp, lâm nghiệp & thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1-5%).Khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm; Chế biến chế tạo kéo dài mức tăng trưởng âm trong hai quý này, các ngành còn lại trong khu vực 2 ít bị ảnh hưởng.
Trong khu vực 3, bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật & giải trí (mức giảm từ 25-70%), y tế, truyền thông hay tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.
Nền kinh tế chỉ có thể trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây một khi thế giới khống chế được bệnh dịch.GDP cả năm đạt mức -1%.
PGS-TS Phạm Thế Anh cho rằng trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu COVID-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.
Trong bối cảnh đó, khuyến nghị chính sách của VEPR là cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với cấp độ về dịch bệnh, chia thành chính sách hỗ trợ và cứu trợ. Ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc. Trợ cấp cho người nghèo, cá nhân, hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai…
Đặc biệt, trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận