Thay đổi quy định pháp lý tác động như nào đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, những thay đổi về quy định pháp lý có thể tác động mạnh đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, ngoài việc quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký, thay đổi, hủy bỏ giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán... để phát triển thị trường thứ cấp; dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Dự thảo nghị định này bổ sung yêu cầu doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.
Yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liên trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.
Theo SSI, các trái phiếu doanh nghiệp có mục đích sử dụng là góp vốn hay không có tài sản đảm bảo, bảo lãnh thanh toán không phải là ít. Các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3-5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.
Bên cạnh đó, vai trò của các ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp. Thông tư 16/2021/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ 15/1/2022; trong đó, một số quy định siết chặt hơn như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán, trái phiếu phát hành cùng lô, đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con.
Theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và trái phiếu doanh nghiệp sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế hơn.
Theo SSI, hoạt động xếp hạng tín nhiệm sẽ có nhiều tiềm năng phát triển. Xếp hạng tín nhiệm sẽ là yêu cầu bắt buộc trong tương lai đối với một phần các đợt phát hành trái phiếu.
Cụ thể, theo Luật chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán thì các tổ chức phát hành hoặc trái phiếu chào bán ra công chúng phải được xếp hạng bởi tổ chức xếp hạng được Bộ Tài chính cấp phép, trong các trường hợp tổng mệnh giá trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Quy định này có hiệu lực từ 1/1/2023.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP cũng yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với một số trường hợp phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, việc tham gia của các công ty xếp hạng tín nhiệm còn giúp phân loại và định giá trái phiếu chính xác hơn, hỗ trợ thị trường thứ cấp phát triển.
SSI cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 vẫn có khả năng tăng trưởng tích cực do cung cầu duy trì ở mức cao. Công ty chứng khoán này dự đoán mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 20-25bps (điểm cơ bản) nên chênh lệch lãi suất kênh trái phiếu doanh nghiệp so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao.
Mặt khác, số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2022 ước khoảng 266 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành.
Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp có thể đã tạo đáy trong năm 2021 và nhích tăng trong năm 2022. Do mặt bằng lãi suất tiền gửi nhích tăng nên lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo khi mà hơn 70% trái phiếu doanh nghiệp phát hành có lãi suất thả nổi.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận