menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn An

Thất nghiệp ở nhóm thanh niên tăng cao

Tỷ lệ thiếu việc làm ở nhóm15-24 tuổi chiếm 34% tổng số người thất nghiệp 6 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê

Số liệu này được các diễn giả chia sẻ tại tại tọa đàm "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch". Theo đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thanh niên chiếm tỷ lệ cao so với các đối tượng còn lại với 399.000 người. Ngoài đưa ra con số thất nghiệp, 4 diễn giả của tọa đàm gồm ông Nguyễn Trí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM và ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS cũng bàn luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất, doanh nghiệp và người lao động.

Thách thức thời dịch

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội nhận định gần 800.000 người tham gia lao động mỗi năm là thách thức không nhỏ với cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là phải đào tạo, giải quyết việc làm và công nhận trình độ ngành nghề của những cá nhân này.

Thống kê về thực trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở thanh niên chiếm tỷ lệ cao so với các đối tượng còn lại (399.000 người trong độ tuổi 15-24, chiếm 34% tổng số 1,1 triệu người thất nghiệp trong sáu tháng đầu năm). Đối tượng này hầu hết mới ra trường, còn bỡ ngỡ với nhiều thứ. Ông Trường cho rằng: "Cần phải đánh giá lại chương trình học có phù hợp, phương thức đào tạo, kỹ năng được trang bị của các bạn trẻ... có đáp ứng yêu cầu công việc không".

Các số liệu ở nhiều địa phương cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ lao động cả chiều dọc lẫn ngang. Ở chiều dọc, từng cá nhân phải bồi dưỡng tay nghề, nâng cao kỹ năng để đáp ứng công việc hiện tại. Tương tự ở chiều ngang, phải liên tục nâng tầm, đào tạo và cải tiến các vị trí việc làm, hoàn cảnh nghề nghiệp mới.

Nâng tầm kỹ năng lao động cho từng nhân sự, đào tạo họ thích nghi nhanh với hoàn cảnh, phát huy tốt năng lực... đóng vai trò then chốt. Theo ông Trường, "sức đề kháng", tính sáng tạo của công, nhân viên thể hiện qua nội lực trong bối cảnh ứng dụng công nghệ 4.0. Trước những tình huống khó lường, bất ngờ, khó dự báo... người lao động phải học cách tồn tại, nêu bật các ý tưởng và tránh bị đào thải.

Hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong nửa đầu năm 2021 (tăng 101.700 người so với cùng kỳ năm ngoái) cho thấy thách thức lớn: người lao động phải được đào tạo kỹ năng suốt đời. Ngoài ra, thực tế chỉ hơn 25% trong tổng số 51 triệu lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng, bằng cấp. 75% còn lại chỉ mới được đánh gia qua bằng cấp chứ chưa thấy rõ kỹ năng.

"Cần làm rõ con số này để không ảnh hưởng đến chất lượng lao động trong mắt các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài", ông Chí Trường nhấn mạnh.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM - cũng đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Chí Trường và cho rằng những số liệu thất nghiệp, thiếu việc làm... đáng quan ngại, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và một số địa phương dịch đang diễn biến phức tạp nói riêng.

"Hiện 19 tỉnh thành phía Nam, trong đó có ba trung tâm kinh tế và các khu công nghiệp lớn như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Đợt bùng dịch thứ tư lây lan rất mạnh, các địa phương này phải áp dụng giãn cách nghiêm ngặt, hệ quả kéo theo là hầu như nền kinh tế tê liệt", ông Quốc Bảo cho hay.

Ông dẫn chứng một số doanh nghiệp phải giảm công suất hoạt động tối đa bằng cách cho công nhân nghỉ bớt. Bên cạnh đó, bản thân nhân sự cũng chủ động nghỉ việc vì sợ bị lây nhiễm. Điều này dẫn đến thực trạng người lao động không có thu nhập.

Các khách mời chỉ ra phần lớn công nhân và người lao động ở khu công nghiệp, trình độ không cao, thu nhập bấp bênh, đôi khi chỉ đủ trang trải cuộc sống. Điều kiện tích lũy để bám trụ ở thành phố lớn không cao. Trước tình trạng cách ly xã hội kéo dài, họ chọn cách về quê, tạo ra "làn sóng di dân" chưa từng có trong thị trường lao động Việt Nam. Điều này tạo áp lực lớn cho tương lai, khi dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp quay lại sản xuất sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn: thiếu nguyên liệu đầu vào, đơn hàng đã mất khỏi Việt Nam, nguồn lao động...

Ngoài ra, bản thân người lao động sẽ không quay lại khi nhận thấy triển vọng chống dịch ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp không bền vững. Doanh nghiệp sẽ tốn kém cả thời gian, công sức lẫn giải pháp đủ mạnh... mới kéo được nhân sự từ các vùng quê quay về.

Ông Quốc Bảo nhận định cần phải có những giải pháp bài bản, tích cực, đồng bộ từ chính quyền địa phương đến các ban quản lý khu công nghiệp, nhà máy và cả đối tượng đang tham gia vào chuỗi cung ứng (chủ nhà trọ, phường xã...). Tuy nhiên, chi phí bỏ ra không nhỏ, chưa kể chủ doanh nghiệp còn phải đào tạo lại, giúp nhân sự thích nghi với môi trường sản xuất, tình hình mới. Tất cả tạo ra sự chậm trễ kéo dài cho sự phục hồi kinh tế.

Ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng chỉ ra năm thách thức lớn với ngành dệt may, trong đó có thiếu lao động, tay nghề không cao, chưa được tiêm vaccine, rào cản khi thực hiện 'ba tại chỗ"...

Thất nghiệp ở nhóm thanh niên tăng cao
Một ngày làm việc của cán bộ, công nhân viên Asanzo tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP HCM trước khi đại dịch xảy ra. Ảnh: Hữu Khoa

Chung tay vượt khó

Ba khách mời cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ duy trì việc làm, giảm bớt khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp nhằm duy trì sản xuất. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này khó đủ đầy và khiến mọi đối tượng thỏa mãn, thay vào đó mang tính chất tạm thời để cùng vượt đại dịch.

Ông Vũ Đức Giang nhắc đến quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và công nhân viên. Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường chỉ rõ chính sách số ba: đào tạo người lao động theo nhu cầu mới của khoa học công nghệ, cũng như sự thay đổi của quá trình sản xuất do đại dịch gây ra. Việc này đồng nghĩa nhân lực được trang mọi kỹ năng bị để thích ứng với quá trình mới.

Ông Chí Trường nói những hỗ trợ này chưa thể hiện ngay trước mắt, nhưng về lâu dài và khi đại dịch qua đi, nền kinh tế dần phục hồi... những chính sách hỗ trợ trên sẽ phát huy giá trị của nó. Đại diện Bộ, ngành cho rằng quan trọng nhất vẫn là người lao động và chủ doanh nghiệp phải có chiến lược của mình.

Bên cạnh giáo dục và đào tạo, vấn đề cần quan tâm là người lao động đáp ứng thế nào cho quá trình chuyển đổi số, "xanh hóa", số hóa. Khách mời cũng chỉ ra bốn cách giúp nhân sự thích ứng với các quá trình trên: học ở trường lớp theo khung trình độ quốc gia tám bậc; học tại nơi làm việc; tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình; cuối cùng là phối hợp cả ba hình thức trên.

Trong bốn cách thức trên, học tại trường lớp chiếm ưu thế, vô tình gây ra sự đứt gãy về quá trình cập nhật chuyển đổi và ứng dụng khoa học công nghệ mới, khiến người lao động khó có thể tiếp cận.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh Xã hội khẳng định luôn chú trọng tạo điều kiện để nhân sự không chỉ học qua trường lớp, bằng cấp mà còn có cơ hội nâng tầm kỹ năng, kiến thức và được công nhận trình độ kỹ năng nghề. Qua đó thích ứng với quá trình mới, liên tục cập nhập và học tập suốt đời.

Tuy nhiên theo ông Chí Trường, cần phải xác định rõ nền tảng doanh nghiệp lẫn người lao động đang cần. Bộ Lao động phối hợp với các Bộ, nghành liên quan nghiên cứu và thực thi việc chuẩn hóa kỹ năng nghề, cập nhật tiêu chí mới hàng năm. Họ chỉ ra 6 nhóm cơ bản cần trang bị trong mọi bối cảnh:

Nhóm đầu tiên: trang bị cho người lao động kỹ năng, ứng xử nghề nghiệp phù hợp.

Thứ hai: kỹ năng, năng lực để thích nghi nghề nghiệp.

Thứ ba: trang bị cho người lao động kiến thức, kỹ năng về công nghệ số.

Thứ tư: bổ sung kỹ năng về an toàn lao động.

Thứ năm: kỹ năng rèn luyện sức khỏe.

Thứ sáu: kỹ năng, năng lực về đạo đức nghề nghiệp.

"Doanh nghiệp sẽ sử dụng thế nào, cơ sở đào tạo ứng dụng ra sao... là nhiệm vụ chúng tôi phải tiếp tục thực hiện", Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo và chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang nhận định ý chí, tinh thần, nghị lực của doanh nghiệp và người lao động quan trọng nhất lúc này. Tất cả cần bắt tay nhau đoàn kết cùng bước qua đại dịch.

"Những ý kiến phê phán, chỉ trích quá mạnh về các ứng xử và giải pháp chống dịch. Tôi cho rằng không nên vì nó làm xói mòn ý chí của người lao động lẫn doanh nghiệp, bởi không có phương châm, giải pháp đúng, sai trước đại dịch. Chúng ta cần hạn chế, bớt đòi hỏi quyền lợi, mà cùng chia sẻ để cùng vượt qua khó khăn. Sau suy thoái kinh tế sẽ là những chu kỳ phát triển kinh tế mới với động lực rất mạnh", ông Quốc Bảo nói thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại