Tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp lúa gạo
Theo các doanh nghiệp lúa gạo, một trong vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ khó khăn về vốn để doanh nghiệp có nguồn tiền thu mua lúa gạo cho bà con khi vụ lúa Hè thu đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ.
Thực tế, thời gian qua, Để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo trong bối cảnh dịch Covid -19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 5747/NHNN-TD ngày 10 tháng 8 năm 2021 đề nghị các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng nhiều hình thức.
Cụ thể như mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp...
Tuy nhiên, qua công tác theo dõi tình hình thị trường và thông tin trao đổi tại cuộc họp ngày 12 tháng 8 năm 2021 giữa “Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp” của Bộ Công Thương (Tổ Công tác đặc biệt) với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, việc tiếp cận nguồn vốn tnêu trên tuy đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng nhưng chưa hoàn toàn được thuận lợi.
Cụ thể, Công ty CP XNK An Giang (Angimex) cho biết, để hỗ trợ người nông dân trong vụ thu hoạch lúa Hè thu, dù lượng xuất khẩu tồn kho quá lớn song chúng tôi đã gửi văn bản tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang để có sự hỗ trợ DN mua 30.000 tấn lúa cho nông dân. Tuy nhiên muốn làm được việc này Angimex cần được hỗ trợ tăng hạn mức vay và giảm lãi suất ngân hàng .
Cũng như Angimex, ông Trần Ngọc Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vinh Phát - đề xuất cần có cơ chế kéo dài thời gian vay vốn so với mức 6 tháng như hiện nay. Bởi chỉ khi có vốn DN mới mạnh dạn thu mua lúa được.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, ngay trong chiều 12/8, sau cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt, Bộ Công Thương đã có công văn số 4889/BCT-XNK về việc tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo hàng hóa. Công văn nêu rõ, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Trước đó, để đảm bảo tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, Cục Xuất nhập khẩu đã kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan xem xét có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy; Đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét áp dụng biện pháp xét nghiệm Covid-19 đầu vào, sau đó giao cho thương nhân có kế hoạch tự quản lý đội ngũ lao động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; Xem xét ưu tiên và khẩn trương triển khai việc tiêm vắc xin cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trên hiện trường - trong chuỗi cung ứng lúa gạo nói riêng và lương thực nói chung như tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường…a
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận