Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Đây là mục tiêu chính của hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 17/5, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Hội thảo còn có sự hiện diện của nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các chuyên gia kinh tế...
Đổi mới, cơ cấu DNNN là nhiệm vụ quan trọng
Hội thảo còn có sự hiện diện của nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các chuyên gia kinh tế...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đổi mới, cơ cấu DNNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ các cơ chế chính sách về tái cơ cấu DNNN. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên cũng tồn tại một số vướng mắc như: tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành, nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Chỉ tính riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên thời gian qua việc xác định giá trị của doanh nghiệp còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó là một số tồn tại trong sắp xếp nhà đất chưa có quy định rõ ràng như: xác định lợi thế thương mại, liên danh liên kết… Ngoài ra còn có vai trò của người đứng đầu DNNN quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu…
Bộ trưởng mong muốn thông qua hội thảo, Bộ Tài chính sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu của các đại biểu. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành các quy định phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế đất nước, tăng năng lực sản xuất kinh doanh, thực hiện phát triển doanh nghiệp một cách bền vững, thực chất.
Tiếp theo hội nghị, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp đã thông tin về một số kết quả thực hiện cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025. Theo đó về kết quả cổ phần hóa, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đã có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.
Về cơ bản, đến nay các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó có các quy định về tiêu chí phân loại DNNN để thực hiện sắp xếp; cơ chế chuyển đổi thành công ty cổ phần và chuyển nhượng vốn nhà nước, cơ chế xử lý lao động dôi dư... đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ và liên tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị DN và hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách...
Quá trình cổ phần hóa thời gian qua tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng so với yêu cầu còn chậm, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Xử lý đất đai khi cổ phần hóa; xử lý tài chính, tài sản, nợ; xác định giá trị DN, giá trị phần vốn nhà nước...
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trọng tâm hoàn thiện thể chế cho giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13). Theo đó, tập trung hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại DN; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN theo nguyên tắc thị trường, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy DNNN chủ động sắp xếp để giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các DN trong nước phát triển...
Đề xuất không tính giá đất vào giá trị DN khi cổ phần hóa
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan đại diện chủ sở hữu; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các chuyên gia cũng đã trình bày các tham luận, phát biểu đóng góp ý kiến và kiến nghị đến Chính phủ, các bộ, ban, ngành nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN trong thời gian tới. Đặc biệt, các ý kiến cũng kiến nghị không tính giá đất vào giá trị DN khi cổ phần hóa, thay vào đó, trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần xong.
Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo cơ bản nhất trí, thống nhất cao nội dung báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự Hội thảo, đặc biệt trong đó có nhiều ý kiến có chất lượng, thể hiện trách nhiệm cao của các đại biểu. Các ý kiến tham luận đã đóng góp thêm thông tin tham mưu, giúp cho Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm giải quyết những khó khăn, thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận