Thành phố Thủ Đức: Kỳ vọng đóng góp 30% GRDP cho TP.Hồ Chí Minh
Việc thành lập TP.Thủ Đức trực thuộc TP.Hồ Chí Minh được kỳ vọng như một cú hích mới để tạo động lực cho đầu tàu kinh tế TP.Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới. Sau khi hình thành và phát triển, TP.Thủ Đức ước tính đóng góp đến 30% GRDP của TP.Hồ Chí Minh và chiếm 7% GDP cả nước.
Đóng góp 30% GRDP của TP.Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 9,4% dân số và 0,6% diện tích của cả nước nhưng đóng góp GDP nhiều nhất cho cả nước, với khoảng 22,3%; đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia và thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước.
Tuy vẫn duy trì được vị trí đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước, nhưng TP.Hồ Chí Minh đang đối diện với nhiều thách thức mới ngày càng gia tăng. Đó là sự vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm, tỉ trọng xuất khẩu so với cả nước giảm, sự vượt trội về tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh giảm, hạ tầng giao thông bất cập...
Để chuẩn bị cho tương lai phát triển của TP.Hồ Chí Minh và tiếp tục đóng góp mạnh mẽ cho cả nước, việc tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tăng trưởng cạnh tranh là hết sức cần thiết.
Trong đó, TP.Thủ Đức được thành lập trên cơ sở hợp nhất quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (với quy mô diện tích hơn 211km², dân số hơn 1 triệu người) là nơi mà TP.Hồ Chí Minh kỳ vọng đóng góp 1/3 GRDP của TP.Hồ Chí Minh, tương đương khoảng 7% GDP cả nước.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh - cho biết, bản thân TP.Thủ Đức đang có khu công nghệ chiếm tỉ lệ khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.Hồ Chí Minh. Điều quan trọng hơn, đây là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Samsung… Khu vực này có làng đại học, trong đó, chủ lực là Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh bên cạnh Đại học Fulbright, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật...
Đây sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. thành phố Thủ Đức còn có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi sẽ đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
“Như vậy, chỉ trong khu vực này đã có 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Thành phố mới sẽ góp phần giúp TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm lớn về kinh tế - tài chính và cả khoa học - công nghệ” - ông Ngân nói.
Sự thành công của mô hình “thành phố trong thành phố”
Việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.Hồ Chí Minh với mô hình “thành phố trong thành phố” là mô hình chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam. Nhưng trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng và thực sự đã tạo nên những “địa chấn” như Phố Đông Thượng Hải của Trung Quốc hay quận Gangnam ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Theo TS Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam - so với thời điểm Gangnam và Phố Đông được bắt đầu, Thành phố Thủ Đức ra đời trong bối cảnh thuận lợi hơn nhiều, có cả thiên thời và địa lợi.
Cụ thể, xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc đang diễn ra, mà tác động của dịch COVID-19 sẽ làm cho tiến trình xảy ra nhanh hơn. Thành phố Thủ Đức có thể hướng tới việc đón làn sóng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu.
Về địa lợi, Thành phố Thủ Đức hiện thuận lợi hơn về hạ tầng và điều kiện kết nối: Diện tích đất đai để phát triển dự án được sẵn sàng; những điều kiện cơ bản cho trung tâm tài chính - thương mại tại Thủ Thiêm đã có và khu công nghệ cao tạo được vị thế của mình.
Trong khi đó, phía nam sông Hàn vào thập niên 1960 là vùng đất nông nghiệp trồng bắp cải và lê, rất ít người sinh sống. Còn Phố Đông đầu thập niên 1990 là một vùng đất nghèo và lạc hậu nằm bên con sông Hoàng Phố. Tuy nhiên, Gangnam hiện là trung tâm đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc và nhiều công ty lớn trên thế giới đặt trụ sở và là trung tâm đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc. Còn Phố Đông giờ thành niềm tự hào và là nhân tố tạo dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Quy mô GDP năm 2019 của Phố Đông gần 185 tỉ USD, bằng 50% Singapore, 70% Việt Nam và gấp 3 lần Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao “chìa khóa” tự chủ cho thành phố Thủ Đức
Để thực sự trở thành như một “Phố Đông Thượng Hải” hay “khu nam Seoul” của Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, Thành phố Thủ Đức cần được áp dụng chính sách đặc thù để phát triển.
TS Huỳnh Thế Du nói rằng, thành phố phía Đông cần được xem là dự án trọng điểm quốc gia với các cơ chế đặc biệt liên quan đến việc mở cửa ra bên ngoài, lựa chọn các đối tác chiến lược và trao quyền tự chủ cần thiết để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy được khả năng, tiềm lực vốn có.
“Cần một cơ chế đặc thù, đột phá dành cho Thủ Đức giống như Trung Quốc đã làm với Phố Đông. Đơn cử, có thể ưu tiên cho đô thị này giữ lại nguồn thu ở mức tỉ lệ tối đa, thậm chí giữ lại toàn bộ nguồn thu trong 10-20 năm đầu để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây được gọi là vốn mồi để Thủ Đức phát triển, thu hút nguồn lực từ xã hội và khuyến khích đầu tư từ nước ngoài” - ông Du nói.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người từng tham gia vào giai đoạn đầu quy hoạch khu Phố Đông của Thượng Hải - cho rằng, Trung ương nên cho Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế đặc thù ở Thành phố Thủ Đức bởi nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thành phố mới này rất lớn. Do đó, phải có cơ chế thoáng với những giải pháp phù hợp để thu hút dòng vốn trong và ngoài nước. Nếu chỉ trông vào nguồn ngân sách, Thành phố Hồ Chí Minh mất nhiều thời gian mới có thể triển khai đề án.
Bên cạnh đó, ông Ngô Viết Nam Sơn cho biết, để đạt mục tiêu đóng góp 1/3 GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh như mong muốn, Thành phố Thủ Đức cần thêm ít nhất nửa triệu dân có tay nghề cao, kỹ thuật tốt và trình độ lao động sản xuất tiên tiến. Đây là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển đô thị mới và hỗ trợ các vùng lân cận.
Ngoài ra, không thể quên việc chỉnh trang, giải quyết vấn đề giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học, an ninh và chất lượng sống cho một triệu dân cư hiện hữu ở Thành phố Thủ Đức.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận