Thanh khoản thị trường có dấu hiệu ‘tụt áp’
Sau giai đoạn giao dịch đầy sôi động, thanh khoản thị trường chứng khoán đã bất ngờ "tụt áp" rõ rệt trong vài phiên gần đây. Đặc biệt, trước áp lực tỷ giá tăng cao, thanh khoản thị trường sẽ còn đối diện với nhiều thử thách.
Theo thống kê, giá trị khớp lệnh trên HoSE trong 3 phiên gần nhất chỉ quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Riêng phiên 11/4, khối lượng khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt hơn 640 triệu cổ phiếu, giá trị trên 15.100 tỷ, là mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua (kể từ ngày 7/2).
Thanh khoản “teo tóp” dần
Sự sụt giảm của thanh khoản diễn ra sau khi thị trường liên tục ghi nhận diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, ngay cả việc VN-Index dứt chuỗi giảm, có phiên đầu tuần hồi phục mạnh với biên độ tăng trên 12 điểm cũng không thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Giao dịch vẫn lình xình trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chưa hết bi quan và không mấy mặn mà với việc mua đuổi các cổ phiếu đã hồi, trong khi áp lực bán cũng không lớn.
Giới phân tích đánh giá, về logic, giá giảm sâu sẽ khiến nhà đầu tư chú ý, nhất là những người cầm tiền đang chờ mua. Lực cầu bắt đáy cũng xuất hiện nhưng khá bị động, hầu như chỉ đứng im ở vùng giá sâu. Lượng cầu nâng giá dần lên không nhiều nên không đẩy được thanh khoản tăng, dù khối lượng bán vẫn còn rất dày.
Có thể thấy, thanh khoản trung bình những phiên gần đây thấp hơn nhiều so với mức phổ biến trên 20.000 tỷ/phiên duy trì trong phần lớn thời gian của tháng 3 trước đó (ở thời điểm giao dịch bùng nổ, thanh khoản thị trường nhiều phiên còn chạm ngưỡng tỷ USD).
Khi đó, bất chấp diễn biến rung lắc vào nửa cuối tháng 3, chỉ số VN-Index vẫn tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện tích cực với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.495 tỷ đồng/phiên, lần lượt tăng 20% về khối lượng và 28% về giá trị so với tháng 2/2024.
Các chuyên gia nhận xét, việc lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng về vùng dưới 5%/năm đã thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm sang kênh chứng khoán rõ nét hơn. Ngoài ra, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà đầu tư cá nhân trong nước có tâm lý lạc quan hơn về triển vọng kinh tế vĩ mô đã thúc đẩy giao dịch tăng lên.
Mặt khác, trong tháng 3 vừa qua, việc nâng hạng của thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi bởi FTSE đã có thêm một bước tiến khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố và lấy ý kiến công chúng (trong khoảng 30 ngày) về dự thảo thông tư nhằm bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). Điều này cũng tác động giúp thị trường đi lên. Và “hiệu ứng KRX” đã tạo “cú hích” cho tâm lý của nhà đầu tư, thúc đẩy dòng tiền đứng ngoài gia nhập “sân chơi”, từ đó giúp thanh khoản thị trường tăng tích cực.
Bên cạnh đó, động thái của nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước đã nâng đỡ tốt cho thị trường trước áp lực rút ròng của nhà đầu tư ngoại và tổ chức trong nước.
Có đáng lo?
Trở lại hiện tại, việc thanh khoản rơi về mức thấp khi bối cảnh vĩ mô chưa quá khởi sắc, có nhiều thông tin gây ảnh hưởng như giá vàng liên tục tăng mạnh, trong khi thị trường lại không có nhiều thông tin hỗ trợ khiến nhà đầu tư cá nhân ít giao dịch dẫn đến thanh khoản giảm mạnh.
Hơn nữa, thị trường cũng đang trong vùng "trống thông tin", do vậy nhà đầu tư có sự nghỉ ngơi. Mùa báo cáo tài chính vẫn chưa bước vào cao điểm và mới chỉ có một số doanh nghiệp hé lộ số liệu quý I, song luồng thông tin này khá rời rạc và chưa đủ để tạo ra hiệu ứng trên diện rộng.
Bên cạnh đó, thị trường đã có quãng thời gian dài tăng điểm khá mạnh trong khoảng nửa năm qua, nên việc điều chỉnh giảm diễn ra là tất yếu.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường thêm lần nữa được thử thách khi đồng USD có xu hướng mạnh lên trên toàn cầu. Áp lực tỷ giá khiến nhà đầu tư có phần thận trọng, chậm lại để quan sát thay vì giải ngân dồn dập.
Theo các chuyên gia của MBS Research, tỷ giá vẫn liên tục xô đổ các kỷ lục dưới những áp lực trong nước như giá vàng trong nước vẫn chưa cho thấy chiều hướng giảm, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại cuộc họp ngày 20/3 đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất khiến chênh lệch lãi suất giữa USD - VND tiếp tục bị nâng lên. Việc tỷ giá tăng “nóng” đang tạo áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư.
Chưa kể, tỷ giá gặp nhiều áp lực sẽ gây ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Có thể dễ dàng nhận thấy việc khối ngoại đã bán ròng xuyên suốt từ tháng 3 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, lác đác vài phiên mua ròng song giá trị không đáng kể.
Lũy kế từ đầu năm 2024 tới nay, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 16.500 tỷ đồng trên sàn HoSE, tương đương 2/3 giá trị bán ròng của cả năm 2023. Dù chỉ chiếm khoảng 10% giá trị giao dịch toàn thị trường những động thái "xả hàng" liên tục của nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Về tác động của tỷ giá tới thị trường chứng khoán, ông Nghiêm Sỹ Tiến, chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, áp lực lên tỷ giá chỉ mang tính chất ngắn hạn bởi những biến số khó dự đoán liên quan đến dòng tiền vào - ra. Nhìn xa hơn về bối cảnh trung và dài hạn thì thị trường vẫn đang tương đối lạc quan về sự ổn định của tỷ giá trong năm nay nhờ xu hướng hạ nhiệt lạm phát của Mỹ, cũng như lượng ngoại tệ đổ về Việt Nam từ hoạt động xuất siêu, FDI giải ngân và kiều hối kỳ vọng tăng trưởng tích cực.
Trong một đánh giá gần đây, Pyn Elite Fund cho rằng lãi suất thấp sẽ tác động đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Trong nửa cuối năm 2024 sang tới năm 2025, có thể kỳ vọng môi trường lãi suất quốc tế sẽ thuận lợi, giúp duy trì và thậm chí giảm lãi suất ở Việt Nam mà không gây áp lực tiêu cực lên tỷ giá. Sự thu hẹp chênh lệch lãi suất so với USD có thể làm mạnh VND vào cuối năm, từ đó Ngân hàng Nhà nước có thể dễ dàng điều chỉnh lãi suất và tỷ giá, điều này sẽ tạo đà tích cực cho tâm lý thị trường chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận