Thanh khoản liên ngân hàng mùa kiều hối
Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng (LNH) tương đối dồi dào trong giai đoạn cận Tết. Kênh thị trường mở hầu như không có số dư cho vay kỳ hạn thông qua mua/bán giấy tờ có giá, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát hành tín phiếu trở lại lần đầu năm 2020.
Càng cận Tết, thanh khoản càng dư thừa
Thanh khoản dư thừa cận Tết là điều khá bất ngờ nếu so sánh với những năm trước. Cùng kỳ năm ngoái, NHNN đã phải liên tiếp bơm lượng lớn thanh khoản ra thị trường suốt từ quí 3 năm 2018 đến Tết Âm lịch.
Số dư NHNN bơm ra thị trường trong một tuần có lúc lên tới kỷ lục 100 nghìn tỉ đồng. Lãi suất liên tiếp neo cao ở mức 4,75-5%, thậm chí lên tới 5,3-5,5%, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Ngược lại trong năm nay, hệ thống ngân hàng sắp khép lại năm Kỷ Hợi mà không phải vay NHNN một đồng nào. Sự ổn định thanh khoản bất đầu từ thời điểm cận Tết Dương lịch đến nay. Như vậy, càng cận Tết thanh khoản có xu hướng dư thừa hơn.
Lãi suất tiền đồng kỳ hạn 1 ngày đã ghi nhận đạt mức 0,7% vào ngày 13 và14-1, mức thấp nhất trong hai năm trở lại. Đây cũng là kỳ hạn thể hiện rõ ràng nhất tình trạng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nguồn cung nội tệ còn dồi dào tới mức NHNN phải phát hành tín phiếu để hút bớt nội tệ dư thừa.
Lần đầu trong năm 2020 và cũng là lần đầu trong nhiều năm trở lại NHNN phát hành tín phiếu thời điểm cận Tết Âm lịch do nội tệ quá dư. Cụ thể, ngày 20-1, NHNN phát hành 5 nghìn tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, với hình thức đấu thầu lãi suất. Theo đó, có 11 thành viên tham gia và có 5 thành viên trúng với lãi suất trúng thầu đạt 2,8%.
Việc phát hành tín phiếu nhằm siết lại cung tiền khi lạm phát được dự báo tăng mạnh trong tháng 1 và trong cả năm nay.
Dòng kiều hối góp phần củng cố thanh khoản
Dòng kiều hối dồi dào trong những ngày vừa qua đang gián tiếp củng cố thanh khoản cho ngân hàng. Năm 2018, lượng kiều hối chảy về Việt Nam đạt gần 16 tỉ đô la (theo số liệu tổng hợp từ World bank) và lượng kiều hối này tiếp tục được dự báo sẽ tăng trong năm 2019, có thể lên tới 16,7 tỉ đô la và nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Đây là nguồn ngoại tệ có tính ổn định và có xu hướng gia tăng do cộng đồng kiều bào ở nước ngoài thường có tâm lý gửi tiền về cho người thân các dịp lễ Tết lớn trong năm. Dòng tiền này chủ yếu từ các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lao động sang như Đài Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc...
Bên cạnh đó, chính sách lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0% của NHNN cũng khiến giảm việc găm giữ ngoại tệ này, thay vào đó là chủ động bán để lấy tiền đồng cho các nhu cầu như tiết kiệm hay chi tiêu dịp Tết của người dân.
Cộng hưởng thêm việc tỷ giá và nền tảng vĩ mô có xu hướng ổn định trong năm nay cũng tác động tích cực tới nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm nay.
Nhiều thành phố trên cả nước đã ghi nhận lượng kiều hối đổ về kỷ lục, điển hình như TPHCM - nơi thu hút kiều hối lớn nhất cả nước đã ghi nhận lượng kiều hối chảy về tăng mạnh (vượt 4 tỉ đô la, ghi nhận vào thời điểm giữa tháng 12-2019 và có xu hướng tăng, dự kiến đạt kế hoạch 5,2 tỉ đô la)
Lượng kiều hối phần nhiều chảy qua hệ thống ngân hàng theo nhiều hình thức như mở tài khoản hay bán ngoại tệ để lấy tiền mặt... Ngoại tệ tiếp tục được bổ sung vào hệ thống, trong khi tỷ giá neo quanh vùng giá mua đô la của NHNN giúp cho nhà điều hành liên tiếp mua được lượng lớn đô la Mỹ, gia tăng dự trữ ngoại hối và bơm nội tệ ra thị trường.
Như vậy, kiều hối đang là động lực gián tiếp tạo dư địa cho thanh khoản ngân hàng trong dịp cận Tết Âm lịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận