Thanh Hóa: Sốt đất "hạ nhiệt", từ cảnh 1.000 hồ sơ đấu giá đất nông thôn đến cảnh "vắng như chùa Bà Đanh"
Tại Thanh Hóa, từ sau Tết Nguyên đán cơn 'sốt đất' kéo từ thành thị cho đến nông thôn khiến nhà nhà, người người đua nhau ôm đất và làm 'cò đất'. Thậm chí, đấu giá đất tại một vùng nông thôn còn có tới hơn 1.000 hồ sơ tham dự. Tuy nhiên, 'sốt đất' tại địa phương này đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá đất Thanh Hoá tăng 30-50% trong vòng 1-2 tháng
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường bất động sản Thanh Hóa luôn ở trong tình trạng như trên "chảo lửa". Cơn "sốt đất" kéo từ từ thành thị cho đến nông thôn khiến nhà nhà, người người đua nhau ôm đất và làm "cò đất".
Chỉ trong vòng hai tháng 3 và tháng 4/2021, phân phúc đất nền tại địa phương này tăng gấp từ 2-3 lần. Tại TP Thanh Hóa một khu đất có diện tích 160m2 được rao bán với giá 850 triệu đồng. Được biết cũng tại khu đất này trước đây chỉ được rao bán với giá 500-600 triệu đồng. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần sau, giá tại mảnh đất 160m2 này đã lên tới mức 1,3 – 1,5 tỷ đồng (tức chênh lệch gấp đôi so với giá ban đầu là 600 triệu).
Khảo sát tại phường Quảng Thành (TP. Thanh Hóa), giá đất thổ cư dao động từ 400 – 600 triệu đồng/100m2 tùy vị trí. Còn đối với loại đất mặt bằng, cùng thời điểm này năm trước có giá khoảng 800 triệu đồng/100m2 thì năm nay đã lên hơn 1 tỷ đồng.
Được biết tình trạng giá đất Thanh Hóa chủ yếu xảy ra tại khu vực TP. Thanh Hóa, khu vực ven biển TP. Sầm Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương. Giá đất tại các khu vực này dao động từ mức 12 – 15 triệu đồng/m2, cao gấp đôi giá thị trường so với cùng kỳ năm trước.
Cuối năm 2020, xã Quảng Hùng (TP. Sầm Sơn) đấu giá 43 lô đất với giá loại 1 là 18 triệu đồng/m2; đất loại 2 rơi vào khoảng 8 – 9 triệu đồng/m2. Nhưng tới thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên khoảng hơn 60 – 70%. Tại các phường Trung Sơn, Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Tiến (TP. Sầm Sơn), giá đất lên tới 40 – 60 triệu đồng/m2. Giá đất tăng chóng mặt khiến người người, nhà nhà đua nhau ôm đất.
Tại Quảng Xương, đất nông thôn trong đường nhỏ xưa đến nay ít người hỏi đến thì nay đã tăng 12 triệu đồng/m2; đất ở hẻm nhỏ thì giá khoảng 4-5 triệu đồng/m2; hẻm lớn thì giá dao động 10-15 triệu đồng/m2, hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp. Thậm chí, người mua đầu tư không cần biết là đất thổ cư hay đất gì vẫn "xuống tiền" mua vào rồi bán chênh sau đó.
Trong khi đó, đất ở khu vực ven biển càng "sục sôi" hơn khi giá tăng theo ngày. Việc giá đất tăng từ 30-50% trong vòng 1 -2 tháng là thực tế đang diễn ra tại các địa phương Thanh Hóa hiện nay.
Thậm chí, có hiện tượng giành nhau đặt cọc đấu giá đất tại địa phương này. Các mảnh đất được sang tay liên tục, giá tăng đột biến sau vài ngày…
Trên báo chí mới đây, một đại diện doanh nghiệp địa ốc cho biết, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/2021, giá đất nền tăng gần gấp đôi, thậm chí giá có thể nói tăng theo từng giờ, từng phút, từng ngày.
Thậm chí, những lô đất gần cồn mã, đất trong hẻm nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá "dựng đứng", nhiều người tìm mua. Ngay cả vùng đất vốn khó tưởng có thể xảy ra sốt đất như huyện Như Thanh hiện giá đất cũng tăng "sục sôi" gấp 2-3 trong vòng mấy tháng qua.
Đấu giá đất nông thôn ở Thanh Hóa có tới 1.000 hồ sơ tham gia
Trước tình trạng "sốt đất", hồi giữa tháng 4/2021, tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh này.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,... đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai các dự án lớn... để bán đất.
Họ tung tin đồn, mua đi bán lại, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông... bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.
Tại một xã nông thôn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đầu tháng 4/2021, chính quyền tổ chức đấu giá 23 lô đất, mỗi lô từ 125 đến 150m2 nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham gia. Chưa bao giờ cuộc đấu giá đất ở một vùng quê mà thu hút hàng nghìn người dân địa phương và nhiều cá nhân, tổ chức môi giới và kinh doanh bất động sản từ khắp nơi đổ về tham dự như vậy.
Từ giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô đã được đấu lên tiền tỷ (từ 1 - 1,3 tỷ đồng/lô). Đặc biệt, có hơn 1.000 hồ sơ tham gia đấu giá 23 lô đất nhưng chỉ có 4 người trúng đấu giá. Nhiều người tham dự đã sửng sốt khi nghe đơn vị đấu giá công bố kết quả trúng đấu giá của 23 lô đất này.
Giá đất tăng đột biến khi đấu giá
Theo ghi nhận tại mặt bằng 3367 (thuộc xã Quảng Đại, TP. Sầm Sơn) được đấu giá năm 2020, với giá khởi điểm là 600 triệu đồng/1 lô (100m2), nhưng tới thời điểm hiện tại, giá đất của mặt bằng này đã tăng gấp đôi, khoảng 1,2 tỷ đồng/1 lô (100m2). Thậm chí, có nhiều người trả cao hơn mức giá trên nhưng cũng không còn đất để bán.
Đất xã Quảng Nhân, Quảng Trạch (Quảng Xương) cũng được thổi giá lên 7 – 8 triệu đồng/m2, vị trí đẹp thì giá hơn 14 triệu đồng. Trước đó một vài năm, giá đất tại các khu này chưa tới 3 triệu đồng/m2 mà vẫn không có người mua.
Hay điển hình tại xã Hoàng Cát, TP Thanh Hóa một lô đất có ký kiệu LK:01 (187m2) có giá ban đầu là 675 tỷ đồng nhưng qua đấu giá, thời điểm hiện tại giá khu đất này đã lên tới hơn 2,6 tỷ đồng (chênh lệch lên đến 2 tỷ đồng trước và sau đấu giá).
Tại huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh hóa cũng ghi nhận giá đất tăng đột biến thông qua đấu giá. Cụ thể, tại lô số 05 có diện tích 160m2 có giá khởi điểm là 633 triệu đồng. Qua đấu giá ghi nhận mức giá tăng lên gần 1,6 tỷ đồng (tức có mức chênh lệch lên đến 975 tỷ đồng trước và sau đấu giá). Hay như lô số 01 (140m2) có giá khởi điểm là 420 triệu, tuy nhiên sau đấu giá lô đất này đã lên tới gần 1,3 tỷ (tức chênh lệch hơn 800 triệu).
Trước thực trạng sốt đất xảy ra ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Ông Lê Doãn Phượng – Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng, T.P Sầm Sơn cho biết thêm: "Thời điểm cuối năm 2020, xã có đấu giá 43 lô đất với giá loại 1 là 18 triệu/m2; đất loại 2 rơi vào khoảng 8-9 triệu/m2. Nhưng tới thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên khoảng hơn 50%, đó là tăng trưởng bình thường. Tuy nhiên, ở những vị trí đắc địa, tại các xã, phường lân cận như: Trung Sơn, Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Tiến (Thuộc TP. Sầm Sơn), giá đất tăng khoảng 100% (rơi vào khoảng 35 triệu/m2).
"Nếu như 2 năm trước, đất ở đây chỉ có giá 4-6 triệu/m2 thì nay đã tăng gấp 3-5 lần. Tuy nhiên theo tôi, tình trạng giá đất tăng phi mã như hiện nay cũng không kéo dài được lâu. Người dân nên thận trọng khi đầu tư, không nên cuốn theo giá cả của giới cò đất", ông Phượng khuyến cáo.
"Sốt đất" Thanh Hóa đang hạ nhiệt?
Theo thông tin trên báo chí, thị trường bất động sản tại Thanh Hóa đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Đơn cử như tại huyện miền núi Như Thanh là một trong những địa phương bùng lên cơn "sốt" đất được cho là khủng khiếp nhất từ trước đến nay tại Thanh Hóa nhưng đến giờ gần như không còn giao dịch nào.
Được biết, giá đất tại địa phương này từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4/2021 tăng 10 lần so với thông thường.
Tuy nhiên, hiện tại, các đối tượng "cò" đất ở xuất hiện ở khu vực này hay mọi giao dịch gần như không còn. Tại xã Xuân Thái - nơi cơn "sốt đất" khủng khiếp nhất diễn ra sau Tết Nguyên đán cũng trong tình cảnh "vắng như chùa bà đanh".
Ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết, có khoảng gần 30 gia đình chuyển nhượng đất trong thời điểm đất lên cơn sốt vừa qua.
Con đường dẫn vào "đất vàng" xã Xuân Thái (Như Xuân) đã vắng như chùa bà đanh, không còn kẻ bán, người hỏi mua. Ảnh Dân Trí
"Cơ bản người dân được hưởng lợi sau đợt "sốt đất". Người dân cũng không ngờ đất ở vùng sâu vùng xa lại được bán với giá cao như vậy. Nhiều gia đình bán được giá gấp 10 lần so với bình thường. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày trở lại đây, mọi hoạt động đã diễn ra bình thường, không còn hiện tượng mua bán, giao dịch đất như sau Tết Nguyên đán nữa" - ông Đại nói.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Huy Chung, Trưởng Phòng TN&MT huyện Như Thanh cho biết, xuất hiện tình trạng "sốt đất" này là do tâm lý đón đầu dự án để tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. Đặc biệt, có hoạt động can thiệp các đối tượng xấu ngoài xã hội và "cò đất" vào các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất để thổi giá, ép giá kiếm lời. Nhiều đối tượng đã đưa ra các thông tin quy hoạch, thông tin triển khai dự án không chính xác để đánh vào tâm lý người mua nhằm đẩy giá đất lên cao.
Cũng theo ông Chung, "cơn sốt đất" đã hạ nhiệt sau Công văn cảnh báo của UBND tỉnh và 2 văn bản của UBND huyện. Đến nay, gần như không có giao dịch nào nữa. Người dân cơ bản được hưởng lợi và rất may không có nạn nhân nào trong vụ "sốt đất" vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận