Thanh Hóa: Doanh nghiệp khai thác hàng nghìn m3 cát, không lãi, nộp ngân sách 10 triệu đồng sao còn xin thêm dự án?
Thời gian gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ và phức tạp trên sông Lò, ngay cửa động Nang Non, một thắng cảnh đang được quy hoạch phát triển du lịch của huyện Quan Sơn nhưng chính quyền không hay biết.
Điểm tập kết cát chỉ cách UBND thị trấn 200m
Thời gian vừa qua, người dân sống ở thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bức xúc về việc cát tặc hoành hành trên sông Lò, tại khu vực xung quanh vực động Nang Non (khu Păng, thị trấn Sơn Lư).
Theo nhiều người dân địa phương, đây là bãi cát bồi lắng lộ thiên nên việc khai thác rất đơn giản. Các đối tượng đưa hẳn máy xúc xuống lòng sông xúc trực tiếp, vun đống chờ cát khô rồi đưa lên các xe trọng tải lớn đem đi tiêu thụ hoặc chở tới điểm tập kết.
Điều đáng nói, điểm tập kết cát ngang nhiên tồn tại ven sông Lò, chỉ cách UBND thị trấn Sơn Lư (huyện Quan Sơn) khoảng 200m nhưng họat động khai thác vẫn diễn ra rầm rộ. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng chưa được xử lý triệt để.
Hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra trên sông Lò, đoạn qua thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Người dân cung cấp
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Lữ Văn Châu - Phó chủ tịch UBND thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn xác nhận, thị trấn đã nhận được phản ánh của người dân về việc khai thác cát trái phép tại vị trí này. Nhưng rất khó để kiểm tra bắt quả tang vì đối tượng khai thác cát vào ban đêm, trong khi đó lực lượng của chính quyền địa phương mỏng (?)
"Có thời điểm, sau khi nhận được phản ánh của người dân về khai thác cát trái phép nhưng khi huy động được các lực lượng đến hiện trường thì không hiểu sao các đối tượng đã kịp xóa dấu vết" - ông Châu cho biết thêm.
Điểm tập kết cát ngay tại khu vực động Nang Non và chỉ cách UBND thị trấn Sơn Lư (huyện Quan Sơn) vài trăm mét. Ảnh: HD
Báo cáo không lãi mà vẫn xin thêm?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân Việt, bãi tập kết cát trên là của Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hoá).
Trước đó, ngày 15/1/2018, công ty này được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu thông thường tại sông Lò, đoạn qua thị trấn Sơn Lư. Đến ngày 15/1/2021, giấy phép khai thác hết hạn.
Tuy nhiên, dù hết hạn khai thác nhưng hơn một năm qua nhưng công ty này không thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Trong thời gian hoạt động, tháng 11/2019, Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn đã bị UBND huyện Quan Sơn xử phạt 6.000.000 đồng do lỗi cắm thiếu 4 điểm mốc ở 4 điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản.
Hoạt động khai thác cát trái phép ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày. Ảnh: Người dân cung cấp
Đáng chú ý, trong báo cáo khai thác khoáng sản năm 2020, khối lượng khai thác của doanh nghiệp này chỉ đạt 1.198m2, tổng doanh thu hơn 143 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 10 triệu đồng.
Nguồn lực yếu như vậy mà đến cuối năm 2021, công ty này lại tiến hành các thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại vị trí đã hết thời hạn khai thác và được hầu hết các cơ quan tham mưu từ huyện đến tỉnh đều đồng ý đối với đề xuất dự án.
Trong đề xuất dự án đầu tư tại vị trí cũ, Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn cũng đưa ra con số công suất khai thác chỉ 1.000 m3/năm, lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 166 triệu đồng/năm (?)
Sông Lò bị đục khoét nham nhở suốt một thời gian dài. Ảnh: HD
Huyện nói "không còn tình trạng khai thác cát, đá, sỏi trái phép"?
Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lò, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trương Trọng Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện và ông Trần Văn Bồi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn. Cả 2 đều khẳng định, việc khai thác cát trên sông Lò chủ yếu là để phục vụ việc xây dựng nông thôn mới và một số hộ dân, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tận dụng cát để xây nhà (?)
Bên cạnh đó, huyện đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương trong huyện tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản.
Cát, sỏi được vun đống giữ lòng sông. Ảnh: HD
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn - ông Trần Văn Bồi còn xác nhận, máy xúc của Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn đã bị cảnh sát môi trường thu giữ.
Nhưng khi phóng viên đề nghị được cung cấp biên bản kiểm tra, thu giữ phương tiện máy xúc của Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn thì cả UBND thị trấn Quan Sơn và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn (cả hai đơn vị thuộc đoàn kiểm tra) đều không cung cấp.
"Huyện đã đấu mối với Công an, phía Công an đang thụ lý hồ sơ để xử lý phạt. Khi xong mới chuyển được, hiện máy múc vẫn đang bị giữ lại”, ông Trần Văn Bồi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn nói thêm.
Các xe chở cát không phủ bạt "ung dung" chạy trên đường. Ảnh: QD
Được biết, tại công văn số 40/UBND-TNMT ngày 10/1/2022 của UBND huyện Quan Sơn về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, đá sỏi trên các dòng sông, suối, bãi bồi trái phép, cơ quan này lại nhận định: "…việc khai thác cát, đá, sỏi trái phép không rõ nguồn gốc đã không còn, điều đó đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện".
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn, từ năm 2018 đến nay có 17 trường hợp vi phạm trong việc khai thác khoáng sản trên địa bàn bị xử phạt tổng số tiền hơn 103 triệu đồng. Việc khai thác cát trái phép làm thất thoát tài nguyên, mất trật tự tại địa phương, có nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông suối, đe dọa đến an toàn cuộc sống của người dân, nhất là đến mùa mưa lũ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận