Thăng trầm đối thoại Mỹ-Trung Quốc dưới thời ba vị Tổng thống gần đây
Có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc hội đàm Mỹ-Trung ngày 16/11 đã đạt được bước đột phá trong chính sách thương mại và công nghiệp.
Trong cuộc thảo luận do Viện Brookings tổ chức sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung diễn ra ngày 16/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đề cập các thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), chẳng hạn như chấm dứt tranh chấp kéo dài 17 năm giữa Boeing và Airbus để đặt ra các điều khoản cho ngành hàng không dân dụng.
Đồng thời, ông Sullivan cho biết, các thỏa thuận này giúp tạo nền tảng để chống lại các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định: “Những nỗ lực trên là nhằm hợp tác với các đối tác cùng chí hướng và đặt ra các quy tắc cho thế kỷ XXI thông qua việc thúc đẩy lợi ích và phản ánh các giá trị của Mỹ, đồng thời đẩy lùi các hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc”.
Cũng trong tuần này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo dự kiến sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhưng lại không có Trung Quốc.
Ryan Hass, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings đã định hình tình trạng đối thoại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền.
Chuyên gia trên nêu rõ: "Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1, mối quan hệ Mỹ-Trung thực sự xung đột. Không có kênh liên lạc chính thức nào giữa Washington và Bắc Kinh, và tôi nghĩ đặc điểm nổi trội của quan hệ song phương vào thời điểm đó là đối đầu thông qua sự lên án của công chúng theo cả hai hướng".
Đối thoại Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Barack Obama
Dưới thời Tổng thống Barack Obama (giai đoạn 2008-2016), hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thường xuyên có các cuộc gặp cấp cao thông qua các diễn đàn khác nhau nhằm thảo luận về một loạt các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương liên quan đến chính trị, kinh tế và an ninh.
Tuy nhiên, những cuộc đối thoại này không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả trong bối cảnh thay đổi thực tiễn kinh tế và thương mại của Trung Quốc.
Một số diễn đàn quan trọng do chính quyền của Tổng thống Obama thành lập, bao gồm đàm phán khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và ứng phó với sự bùng phát dịch Ebola, đã mang lại những kết quả đáng kể trong quan hệ với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của một số cơ chế như Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung (S&ED), Hiệp định đầu tư song phương Mỹ-Trung (BIT).
Cơ chế Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung (S&ED) được chính quyền Tổng thống Obama đưa ra vào năm 2009.
Đây được coi là "phiên bản nâng cấp" của Đối thoại Kinh tế Chiến lược, vốn được khởi xướng vào năm 2006 bởi chính quyền của Tổng thống George W. Bush.
Thỏa thuận được nâng cấp giữa cựu Tổng thống Mỹ Obama và cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bổ sung thêm một “chiến lược” bao gồm một loạt các vấn đề chính trị và an ninh toàn cầu, khu vực và song phương, song đã bị đình chỉ dưới thời Tổng thống Trump.
Bên cạnh đó, nỗ lực đạt được Hiệp định đầu tư song phương Mỹ-Trung (BIT) trong suốt 8 năm ông Obama ở Nhà Trắng cũng thất bại.
Kết quả các cuộc đàm phán về hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc, quy định và thực thi pháp lý, buộc chuyển giao công nghệ và các rào cản tiếp cận thị trường lâu đời của BIT cũng "tan thành mây khói" dưới nhiệm kỳ của ông Trump.
Tổng thống Donald Trump và Thỏa thuận thương mại giai đoạn một
Vào tháng 1/2018, Tổng thống Trump bắt đầu áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với Trung Quốc.
Nỗ lực trên là nhằm buộc Bắc Kinh thực hiện các thay đổi đối với những gì Washington cho là "các hành vi thương mại không công bằng", đánh cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, thiếu khả năng tiếp cận thị trường đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Theo ông Trump, trợ cấp của nhà nước đối với các công ty Trung Quốc đã tạo ra một sân chơi không công bằng.
Sau một loạt các cuộc đàm phán cấp cao, cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được bước ngoặt vào tháng 1/2020 với việc ký kết Thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời điểm đó cho rằng, đã đến lúc Washington cần "xem xét lại các chính sách thất bại trong hai thập kỷ qua. Các chính sách cho rằng, nếu Mỹ tích cực hội nhập vào các tổ chức quốc tế và hệ thống thương mại toàn cầu cùng với các đối thủ, thì có thể biến các đối thủ này thành các đối tác đáng tin cậy".
Tổng thống Joe Biden và “khoảng cách lớn” trên bàn đàm phán
Đại diện Thương mại Katherine Tai cho biết, Mỹ có ý định tiến hành các cuộc đàm phán mới với Trung Quốc nhưng sẽ giữ nguyên các mức thuế hiện hành, đồng thời cho phép một số nhà nhập khẩu Mỹ được miễn các khoản thuế đó.
Các nhà phân tích tin rằng, vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi hai quốc gia có thể quay trở lại bàn đàm phán và đối thoại thường xuyên.
Guo Changlin, nhà phân tích của Viện nghiên cứu Taihe Institute có trụ sở ở Bắc Kinh cho rằng, các cuộc gặp giữa Washington và Bắc Kinh diễn ra ở Alaska, Thiên Tân và Geneva đã chỉ ra rằng, vẫn còn “khoảng cách” giữa hai quốc gia với những khác biệt khó có thể hòa giải.
Chuyên gia Guo nêu rõ: "Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, bất kể hình thức nào, đều mang lại hy vọng rằng, căng thẳng hiện tại giữa Washington và Bắc Kinh có thể được xoa dịu ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung đã có những thay đổi sâu sắc. Mỹ không thể thay đổi cách nhìn nhận về Trung Quốc, và chính quyền của Tổng thống Biden không thể thay đổi chính sách hiện tại đối với Trung Quốc, bởi môi trường chính trị nội bộ Mỹ không cho phép điều này xảy ra trong tương lai gần".
Ông Guo cũng khẳng định thêm rằng, vẫn còn một “chặng đường dài phía trước” trước khi hai quốc gia có thể hợp tác, và Trung Quốc không nên “ảo tưởng” về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận