"Thẳng thắn nêu tên bộ ngành, địa phương gây nhũng nhiễu doanh nghiệp"
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp thẳng thắn nêu khó khăn, chỉ rõ bộ ngành nào có văn bản bất hợp lý, gây cản trở, không phù hợp môi trường kinh doanh. Cơ quan nào, địa phương nào gây nhũng nhiễu.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - hội nhập, hiệu quả, bền vững" đang diễn ra sáng 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấnmạnh, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Điểm lại thành tựu kinh tế xã hội năm qua, Thủ tướng cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2019 ước đạt trên 7%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp và tỷ giá ổn định.
Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có. Dự trữ ngoại hối cũng đạt mức chưa từng có. Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính nhà nước được củng cố.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại Hội nghị cho thấy, trong 5 năm liên tiếp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử, trong đó 96% là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Năm 2019, dự kiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ đạt con số kỷ lục - 136.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 3 điểm sáng của doanh nghiệp Việt. Trước hết là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp có quy mô vừa tăng lên và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có xu hướng giảm.
Mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, những điểm yếu cũng đã được chỉ ra. Chẳng hạn, dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động cũng cao; còn thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế…
Trước thực tế này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định,Chính phủ hiểu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục nghìndoanh nghiệp giải thể, phá sản.
Do đó, Chính phủ cần hành động và hành động gấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, phát triển bền vững, tăng cả về số lượng và chất lượng.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn doanh nghiệp mạnh dạn nêu khó khăn, trở ngại, vướng mắc về các vấn đề: Quy hoạch, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, công nghệ, lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, xử lý nước thải…
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp chỉ rõ bộ ngành nào có văn bản bất hợp lý, gây cản trở, không phù hợp môi trường kinh doanh.Cơ quan nào, địa phương nào gây nhũng nhiễu phiền hà…
Đề xuất 5 giải pháp
Cũng trong buổi gặp gỡ sáng nay, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất 5 giải pháp để giải quyết căn cơ các tồn tại, hạn chế này. Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận