Tháng 8, người có lương hưu cao nhất Việt Nam nhận hơn 155 triệu đồng
Trong kỳ chi trả tháng 8, người có mức lương hưu cao nhất Việt Nam có thể nhận thêm hơn 30 triệu đồng so với thời điểm chưa điều chỉnh.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, ông P.P.N.T. (ở TPHCM) là người đang có mức lương hưu cao nhất cả nước. Đến tháng 6/2023, mức lương hưu của ông T. là 124.714.600 đồng/tháng.
Theo Nghị định số 42, từ ngày 1/7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của ông T. sẽ được tăng thêm 12,5%.
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2023/TT-BLĐTBXH, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định mới = Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp tháng 6 năm 2023 x 1,125.
Như vậy, theo quy định mới, mức hưởng lương hưu của ông T. sẽ là hơn 140 triệu đồng/tháng.
Trước đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 7 tạm thời thực hiện theo mức hưởng tháng 6. Người dân sẽ nhận lương hưu tháng 8 theo mức hưởng mới và phần truy trả chênh lệch tăng thêm của tháng 7.
Bảo hiểm xã hội TPHCM sẽ tổ chức chi trả lương hưu tháng 8 theo mức lương mới từ ngày 14/8 đến 25/8 (chi trả tiền mặt) và từ ngày 14/8 đến 15/8 (chi trả qua ATM). Ngày chi trả lương hưu tháng 8 được lùi đến giữa tháng để đảm bảo chi trả theo mức lương hưu mới quy định tại Nghị định số 42.
Như vậy, trong kỳ trả lương hưu tháng 8 này, ông T. sẽ nhận theo mức mới là hơn 140 triệu đồng/tháng và truy trả chênh lệch tăng thêm của tháng 7 là hơn 15,5 triệu đồng. Tổng số tiền ông T. sẽ nhận được trong kỳ lương hưu tháng này là hơn 155,5 triệu đồng.
Từ tháng 9 trở đi, Bảo hiểm xã hội TPHCM sẽ chi trả lương hưu vào đầu tháng như trước đây. Tuy nhiên, do tháng 9 có thời gian nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài từ ngày 1/9 đến hết ngày 4/9 nên Bảo hiểm xã hội thành phố không thể tổ chức chi trả trong ngày 2 mà phải chờ hết kỳ nghỉ lễ.
Cụ thể, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 9 sẽ bắt đầu từ ngày 5/9 đến ngày 25/9 (đối với trường hợp chi trả tiền mặt) và từ ngày 5/9 đến ngày 6/9 (đối với trường hợp chi trả qua ATM).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trước khi nghỉ hưu, ông T. là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của một công ty liên doanh.
Tháng 4/2015, ông T. nghỉ hưu với mức lương hưu hơn 87,3 triệu đồng/tháng. Sau 5 lần điều chỉnh lương hưu của Nhà nước, đến tháng 6/2023, mức lương hưu của ông T. là 124.714.600 đồng/tháng.
Để có được mức lương hưu như hiện tại, ông T. đã có trên 23 năm đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, giai đoạn trước năm 2007 khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực tế (số tiền đóng bảo hiểm xã hội không bị giới hạn mức trần), mức đóng bảo hiểm xã hội của ông T. rất cao.
Có những thời điểm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng.
Khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, đã quy định mức trần tiền lương tháng đóng bảo hiểm bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hoặc lương cơ sở).
Do đó, từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2015, ông T. luôn đóng ở mức cao nhất theo quy định, với mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân là 15,4 triệu đồng/tháng.
Gần 2 năm trước thời điểm nghỉ hưu (mức lương cơ sở khi đó là 1,15 triệu đồng), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm hằng tháng của ông T. là 23 triệu đồng/tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận