Tháng 4 không bình yên của thị trường chứng khoán
Chỉ số VN-Index đang test lại ngưỡng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm, nhưng chưa có tín hiệu đảo chiều tăng. Vì vậy, không loại trừ khả năng áp lực vẫn còn tiếp diễn trong các phiên tới trên thị trường chứng khoán.
Áp lực giảm điểm mạnh lại tiếp diễn khi thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc và đã xuyên thủng mốc 1.200 điểm vào ngày đáo hạn phái sinh ngày 17.4. Đây là điều nằm ngoài dự báo của các công ty chứng khoán.
Tỉ giá tăng mạnh đang được đánh giá là yếu tố có tác động lớn trên thị trường. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, tỉ giá USD/VND có xu hướng tăng, tác động tiêu cực đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Xu hướng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trên thị trường diễn ra trong nhiều tuần, ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số của VN-Index trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, những số liệu vĩ mô của Mỹ có thể khiến thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất điều hành dời lại về giai đoạn cuối năm 2024, so với kỳ vọng trước đây về lần hạ lãi suất đầu tiên được thực hiện từ tháng 6 năm nay.
Biến động tỉ giá khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù từng ngành mà tác động của tỉ giá tăng sẽ có sự phân hóa.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, khi tỉ giá tăng, giá trị đồng USD so với VND tăng lên. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận được nhiều VND hơn khi bán hàng hóa bằng USD. Doanh thu tăng kết hợp với chi phí sản xuất (thường được thanh toán bằng VND) không đổi sẽ dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên. Tiêu biểu cho nhóm này có thể kể đến doanh nghiệp thủy sản, hóa chất, cao su. Các doanh nghiệp dầu khí có mức giá niêm yết bằng USD cũng được hưởng lợi trong xu hướng này.
Ngược lại, các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ xu hướng tỉ giá tăng có thể kể đến một số doanh nghiệp trong ngành nhựa, có tỉ trọng nguyên liệu nhập khẩu cao, hay các doanh nghiệp điện khí đang mua khí đầu vào bằng đồng USD có thể ghi nhận chi phí tăng lên.
Hiện tại, dòng tiền tổng thể trên thị trường đang có xu thế giảm và hiện tại phân bổ nhiều nhất ở 2 nhóm vốn hóa lớn (VN30) và vốn hóa vừa (Midcap), dư địa để dòng tiền tăng thêm ở 2 nhóm này vẫn còn. Trong khi đó, nhóm vốn hóa nhỏ (Smallcap) đang tụt lại phía sau. Do vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế bỏ vốn vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mà phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản kém.
Về xu hướng của thị trường, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Asean nhận định, chỉ số có phiên giao dịch giảm điểm mạnh, mất hơn 22 điểm vào thứ Tư. Thị trường mở cửa ở mức cao nhất ngày với quán tính tăng điểm từ phiên hôm trước nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất. Khối lượng giao dịch thấp hơn phiên trước nhưng diễn biến giá cho thấy lực cầu trong phiên thực sự quá yếu.
Chỉ số đóng cửa dưới trên mốc MA50 nhưng điểm trừ là sự vận động của nhóm dẫn dắt là ngân hàng khá tiêu cực, báo hiệu cho một nhịp điều chỉnh thứ ba trong phiên giao dịch tới và dẫn đến tình trạng "call margin".
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán CSI đưa ra khuyến nghị, chỉ số VN-Index đang test lại ngưỡng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm, nhưng chưa có tín hiệu đảo chiều tăng điểm. Vì vậy, vị thế mua thăm dò ở vùng này chưa mang về lợi nhuận và không loại trừ khả năng áp lực vẫn còn tiếp diễn trong các phiên tới. Vẫn ưu tiên quan điểm thận trọng, hạn chế việc mua bình quân giá xuống và cần kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu tích cực hơn mới gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu. Ngưỡng quanh mốc 1.180 điểm có thể mở vị thế mua thăm dò đối với những tài khoản chưa cầm cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận