24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chi An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thận trọng với các giao dịch thương mại trong RCEP

Quy tắc xuất xứ tại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá “thoáng” hơn so với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, doanh nghiệp cũng nên thận trọng với những giao dịch thương mại tại hiệp định này để tránh những tranh chấp có thể xảy ra.

RCEP là FTA với 10 thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA, bao gồm: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Hiệp định được ký kết tại Hà Nội vào tháng 11/2020. Trong đó, 15 nước thành viên chiếm gần tới 30% dân số thế giới (khoảng 2,2 tỷ người) và 30% của GDP toàn cầu vào năm 2020, khiến RCEP trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các thành viên RCEP đều đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số FTA khác. Tuy nhiên, khác với một số FTA trước đó, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng vẫn được xem như nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết FTA song phương, đa phương với Việt Nam.

Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt khó khăn về xuất xứ nguyên liệu để sản xuất thành phẩm mà còn giúp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, nhất là đối với nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Bởi kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam tại các nước khu vực ASEAN vượt hàng tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn, nhờ hài hòa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Đặc biệt, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Các quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho doanh nghiệp khi thực thi. Vì thế, hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực. Cụ thể, với mặt hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): Những thách thức về RCEP tập trung ở một số yếu tố. Cụ thể, những đối tác lớn của RCEP đều là đối tác Việt Nam đang nhập siêu rất lớn và cơ cấu kinh tế khá tương đồng với Việt Nam, nên tạo ra những thách thức cạnh tranh với hàng hóa trong nước, nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể được đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Nếu các doanh nghiệp từ các nước đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, thì hàng hóa của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và gây áp lực đối với nhập siêu.

Hơn nữa, dù RCEP là FTA thế hệ mới nhưng những yêu cầu về tiêu chuẩn trong hiệp định này lại thấp hơn những FTA mà Việt Nam vừa mới thực hiện như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Vì vậy, có những lo ngại rằng, những tiêu chuẩn trong RCEP khiến Việt Nam mất đi động lực để cải cách thể chế, doanh nghiệp Việt Nam cũng mất đi cơ hội để đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

RCEP tạo ra môi trường thông thoáng hơn, nhưng cùng với đó là những yêu cầu về giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch lại chặt chẽ hơn. Đòi hỏi, nếu doanh nghiệp không hiểu đúng các quy định trong hiệp định để vận dụng hiệu quả vào hoạt động xuất nhập khẩu thì sẽ rất dễ gặp phải rủi ro, gây ra những tranh chấp về xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán và sở hữu trí tuệ.

RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất tiến trình phê chuẩn và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký ASEAN. Các nước thành viên RCEP đặt mục tiêu hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả