Thận trọng thanh khoản ngân hàng cuối năm
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước mạnh tay bơm tiền vào hệ thống, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cho thấy thanh khoản ngân hàng ngày càng “căng” hơn.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 2 - 6/12, lãi suất liên ngân hàng VND tăng ở hầu hết kỳ hạn, ngoại trừ giảm nhẹ ở kỳ hạn 1 tháng.
Phiên cuối tuần 6/12, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: Qua đêm 4%/năm (tăng 0,17 điểm phần trăm); 1 tuần 4,1%/năm (tăng 0,07 điểm phần trăm); 2 tuần 4,2%/năm (tăng 0,07 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 50.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu ở mức 4%.
Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 34.593 tỷ đồng, trong tuần có 31.286 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, NHNN tiếp tục bơm ròng 3.307 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh cầm cố, sau khi đã bơm bơm ròng hơn 62.200 tỷ đồng tuần trước đó - đánh dấu bước chuyển từ hút ròng 8 tháng liên tục sang bơm ròng.
Thực tế trên cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng. Có ý kiến cho rằng, sự thiếu hụt thanh khoản là do nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước.
Luồng ý kiến này không phải không có cơ sở khi mà theo quy định của Thông tư 58/2019/TT-BTC, đến cuối ngày giao dịch toàn bộ số dư trên các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của sở giao dịch kho bạc nhà nước, kho bạc nhà nước cấp tỉnh, huyện tại các hệ thống ngân hàng thương mại phải được chuyển hết về tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước Trung ương tại cùng hệ thống ngân hàng thương mại, để rồi được chuyển hết về thanh toán tổng hợp của Kho bạc Nhà nước Trung ương tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Thế nhưng, vấn đề là Thông tư 58 chính thức có hiệu lực từ 1/11/2019, song tới gần đây mới xuất hiện tình trạng căng thẳng thanh khoản.
Cũng có ý kiến cho rằng, diễn biến căng thẳng trên chỉ là yếu tố mùa vụ khi mà giai đoạn cuối năm nhu cầu tín dụng thường tăng cao, trong khi lượng tiền gửi thậm chí còn có thể sụt giảm khi người dân và doanh nghiệp có xu hướng rút tiền chi dùng trong dịp này.
Chưa kể, về cuối tháng, nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng cũng tăng để đáp ứng yêu cầu về dự trữ bắt buộc.
Câu hỏi được đặt ra là tình trạng này có kéo dài? Một lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo, thanh khoản thị trường VND liên ngân hàng trong tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái kém dồi dào dưới tác động kém thuận lợi của yếu tố dòng tiền.
Lãi suất bình quân VND trong tháng này dự kiến có xu hướng tăng so với tháng trước, lên mức 4-4,2%/năm với kỳ hạn 1 tuần và 4,4-4,5%/năm kỳ hạn 3 tháng.
Cụ thể hơn, lãnh đạo BIDV phân tích, chênh lệch huy động vốn - cho vay toàn hệ thống ngân hàng có thể sẽ tiếp tục thu hẹp 20.000-30.000 tỷ đồng khi hoạt động tín dụng thường có xu hướng được đẩy mạnh vào tháng cuối năm.
Dự kiến hết năm nay, tăng trưởng huy động vốn và tín dụng VND sẽ đạt khoảng 12-13%. Biến động của lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng cần được quan sát trong thời gian tới, bởi đây là biến số có tác động mạnh và nhanh chóng tới thanh khoản thị trường.
Trong trường hợp lượng tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước quay trở lại hệ thống ngân hàng sẽ có tác dụng cải thiện thanh khoản và ổn định tâm lý thị trường vào thời điểm cuối năm.
Đáng chú ý, những tháng cuối năm và sát Tết Âm lịch cũng là lúc dòng tiền lưu chuyển từ hệ thống ngân hàng ra bên ngoài có xu hướng tăng cùng với nhu cầu thanh toán, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Đây là yếu tố có thể cộng hưởng với áp lực thanh khoản của các ngân hàng thời gian tới.
“Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước dự kiến vẫn duy trì định hướng nới lỏng và sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành hiện tại. Về hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bơm ròng nhằm bổ sung thanh khoản cho thị trường vào thời điểm cuối năm thông qua phát hành OMO”, lãnh đạo BIDV dự báo.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, do nhu cầu thanh khoản thường tăng cao trong dịp cuối năm, nên xu hướng bơm ròng thanh khoản vào hệ thống tài chính của Ngân hàng Nhà nước sẽ được duy trì trong những tuần kế tiếp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này tin tưởng, thanh khoản của hệ thống sẽ hạ nhiệt do hiện hoạt động bơm hút tiền trên thị trường mở của nhà quản lý là “rất nhuần nhuyễn”.
Chưa kể, thanh khoản của hệ thống còn được hỗ trợ từ động thái mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế đang rất dồi dào như hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận