24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Thảm họa kinh tế’ xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nếu quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công của chính phủ, hậu quả vỡ nợ sẽ gây ra một “thảm họa kinh tế”, khiến lãi suất tăng cao hơn trong nhiều năm tới.

Trong bài phát biểu trước giới lãnh đạo doanh nghiệp tại một sự kiện ở Washington hôm 25-4, bà Yellen nói rằng việc chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn đến làn sóng thất nghiệp, đồng thời đẩy chi phí lãi suất cho khoản vay thế chấp, vay mua ô tô và thẻ tín dụng lên cao hơn.

Bà nhấn mạnh “trách nhiệm cơ bản” của quốc hội là tăng hoặc đình chỉ mức trần nợ công 31,4 nghìn tỉ đô la Mỹ hiện tại, đồng thời cảnh báo việc chính phủ vỡ nợ sẽ đe dọa thành quả kinh tế mà Mỹ đã đạt được kể từ đại dịch Covid-19.

“Vỡ nợ công sẽ dẫn đến một thảm họa kinh tế và tài chính. Vỡ nợ công sẽ làm tăng chi phí vay vĩnh viễn. Các khoản đầu tư trong tương lai sẽ trở nên tốn kém hơn đáng kể”, bà nói.

Bà cảnh báo nếu trần nợ công không được nâng lên, doanh nghiệp Mỹ sẽ đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ không thể chi trả các khoản an sinh xã hội cho gia đình các quân nhân và người cao tuổi.

Bà kêu gọi quốc hội Mỹ bỏ phiếu để tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ công, mà không đặt ra điều kiện, và không nên đợi đến phút cuối cùng.

Hồi tháng 1, bà Yellen nói với các nhà lập pháp rằng chính phủ chỉ có thể thanh toán các hóa đơn cho đến đầu tháng 6 bằng cách các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt sau khi nợ công của chính phủ chạm mức trần cho phép 31.400 tỉ đô la vào ngày 19-1.

Không giống như hầu hết các nước phát triển khác, Mỹ đặt ra giới hạn cứng nhắc về số tiền mà chính phủ có thể vay. Vì chính phủ chi tiêu nhiều hơn thu vào nên theo định kỳ, quốc hội Mỹ phải tăng trần nợ công.

Tuần trước, Kevin McCarthy, Chủ tịch hạ viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát, đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi khoản cắt giảm chi tiêu của chính phủ lên mức 4,5 nghìn tỉ đô la để đổi lấy mức tăng trần nợ công thêm 1,5 nghìn tỉ đô la. Ông xem đây là nền tảng cho các cuộc đàm phán trong những tuần tới. Kế hoạch này sẽ xóa bỏ nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm xóa khoản nợ sinh viên trị giá khoảng 400 tỉ đô la, khoản nợ mà phe Cộng hòa cho là không công bằng đối với những người không học đại học hoặc đã trả hết nợ.

Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh xóa nợ 10.000 đô la Mỹ trong khoản vay sinh viên của hàng chục triệu người Mỹ. Tuy nhiên, sắc lệnh chưa thể thực thi vì bị một số chính quyền tiểu bang kiện. Tòa án tối cao Mỹ dự kiến ​​ra phán quyết về tính hợp pháp của sắc lệnh trước tháng 7.

Phe Cộng hòa cũng có thể thúc đẩy cắt giảm sâu chi tiêu ở các chương trình liên quan đến bảo vệ mội trường để ưu tiên cho chi tiêu quốc phòng nhưng phe Dân chủ chắc chắn sẽ phản đối.

Nhà Trắng nhấn mạnh không nên liên kết vấn đề tăng trần nợ công và cắt giảm chi tiêu. Thượng viện Mỹ, nơi đảng Dân chủ kiểm soát, có khả năng bác bỏ kế hoạch của ông McCarthy.

Bà Yellen xem cuộc đối đầu giữa các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Nhà Trắng về trần nợ công là “vấn đề có thể đe dọa tất cả những tiến bộ kinh tế mà chúng ta đã đạt được trong hai năm qua”.

Bà đánh giá cao những chiến thắng lập pháp hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden, vốn đã phân bổ hơn 1.000 tỉ đô la cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn cũng như các ưu đãi cho công nghệ năng lượng sạch.

Bà Yellen ghi nhận các đạo luật mới đã thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,5%. Tuy nhiên, khoản chi tiêu khổng lồ từ các đạo luật này cũng góp phần thúc đẩy lạm phát, khiến phe Cộng hòa tại quốc hội cứng rắn hơn trong cuộc tranh luận về giới hạn nợ công.

Các thị trường tài chính đang lo ngại về tình trạng bế tắc này, khiến chi phí bảo hiểm nợ của chính phủ Mỹ lên mức cao nhất trong một thập niên. Giới phân tích tài chính cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ của chính phủ đang ngày càng tăng.

Bà Yellen dự kiến cung cấp cho quốc hội hướng dẫn mới, có thể là vào cuối tuần này, về thời hạn mà các nhà lập pháp phải nâng trần nợ công trước khi tình trạng vỡ nợ trở thành mối nguy hiểm thực sự.

Quốc hội Mỹ đã thông qua luật để giới hạn mức nợ tối đa mà chính phủ có thể huy động vào năm 1939 với mục đích hạn chế tăng trưởng nợ. Tuy nhiên, trong những năm qua, mức trần nợ công được tăng lên hoặc bị đình chỉ nhiều lần để giúp chính phủ Mỹ tránh được kịch bản tồi tệ nhất: vỡ nợ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả