Thách thức nào đang chờ Anh trong hành trình "nhập làn" CPTPP?
Đánh dấu một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh chính thức nộp hồ sơ tham gia Hiệp định CPTPP vào ngày 1/2.
Đây là một động thái đã được loan báo từ trước, khi nước Anh đạt được một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng trong năm 2020 gồm Nhật Bản, Ukraine, Singapore, Việt Nam, EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước tiến mới cho kinh tế Anh và CPTTP
Việc đề nghị tham gia CPTTP của Anh được cho là nhằm tăng cường liên kết với các khu vực ngoài EU, đồng thời thực hiện chiến lược “nước Anh toàn cầu”, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nếu trở thành thành viên của CPTTP, Anh có thể thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực thế mạnh là kỹ thuật và công nghệ, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng như ô tô, thực phẩm…, góp phần tạo ra thêm việc làm trong nước.
Sau khi rời khỏi EU, Anh gặp nhiều khó khăn khi quá trình lưu thông hàng hóa gặp trở ngại do các thủ tục thông quan, các doanh nghiệp cũng chịu gánh nặng lớn hơn về thuế quan. Bên cạnh đó là "cú sốc" kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra trong dài hạn. Do đó, bằng việc đề nghị tham gia CPTTP, Chính phủ Anh muốn chứng tỏ rằng kết quả của Brexit là nước này có thể tự do đàm phán thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Đề cập về việc Anh xin gia nhập CPTPP, ông Tetsuya Watanabe, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản cho biết, nếu nước Anh gia nhập CPTTP, trật tự thương mại quốc tế với tiêu chuẩn cao của CPTTP sẽ được lan rộng ra toàn cầu. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về địa chính trị cho Hiệp định.
Mặt khác, ông Watanabe cho rằng, việc Anh tham gia có thể trở thành “chất kích thích” gia tăng số lượng thành viên CPTTP. Đáng chú ý nhất trong số những thành viên tiềm năng là nền kinh tế Mỹ hàng đầu thế giới
Giới quan sát cho rằng, phía Chính phủ Anh đang hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ đưa nước Mỹ tham gia CPTPP, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại Anh-Mỹ gần gũi nhau hơn nữa. Điều này rất quan trọng vì đàm phán FTA song phương giữa hai nước đang có dấu hiệu chững lại do Tổng thống Biden tập trung ưu tiên hoàn thiện bộ máy Chính phủ mới, cũng như điều chỉnh nhiều chính sách quan trọng do cựu Tổng thống Donald Trump để lại.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết, với vị thế là một thị trường có sức mua lớn và tiềm lực tài chính mạnh, các nước thành viên CPTPP chưa có FTA với Anh mong muốn nước này tham gia Hiệp định để tránh cho sản phẩm của mình rơi vào thế bất lợi trên thị trường Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường dự báo, các nước Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Singapore sẽ rất hoan nghênh sự tham gia của nước Anh vào CPTPP, trong khi các nước khác cũng ủng hộ ở mức độ khác nhau. Hiện không có nước nào công khai phản đối. Tham tán Nguyễn Cảnh Cường dự báo nước Anh có thể hoàn tất đàm phán gia nhập CPTPP sớm nhất vào cuối năm 2021 và chậm nhất là cuối năm 2023.
Chính phủ Anh cũng đặt nhiều hy vọng vào CPTPP. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã bày tỏ tin tưởng rằng trở thành thành viên của Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại của quốc gia này với khối CPTTP, vốn đã đạt trị giá 111 tỷ Bảng (152 tỷ USD) vào năm 2020 và đạt mức tăng 8% mỗi năm kể từ 2016 tới nay.
Bà Liz Truss cho rằng, CPTPP sẽ giúp nước Anh tự do hóa thương mại số, loại bỏ nhanh chóng các khoản thuế đánh vào các mặt hàng như rượu whisky và ô tô, thúc đẩy đơn giản hóa các thủ tục xin visa cho các doanh nhân đi lại giữa các nước thành viên CPTPP. Bộ trưởng Truss cũng nhận thấy, với tư cách thành viên CPTPP sẽ giúp bổ trợ cho các hiệp định tự do thương mại mà nước Anh đã ký với Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Việt Nam sau khi quốc gia này rời EU.
Những thách thức đón chờ
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng Bộ trưởng Truss không cho biết tư cách thành viên CPTPP sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế Anh. Bà chỉ nói khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng đóng vai trò một trung tâm của "tăng trưởng trong tương lai".
Ông David Henig, đồng sáng lập của Diễn đàn Thương mại Anh nhận thấy, thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương này sẽ chỉ mang lại lợi ích kinh tế khiêm tốn cho nước này.
Đánh giá đó không phải không có cơ sở. Một nghiên cứu mới đây của Chính phủ Anh cho thấy, FTA mới đây với Nhật Bản có thể giúp tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này thêm khoảng 0,07% trong dài hạn. Trong khi đó, FTA hậu Brexit giữa Anh và EU có thể khiến tăng trưởng kinh tế Anh giảm tới 5% trong dài hạn.
Một số nhà chỉ trích cũng cho rằng, triển vọng nước Mỹ nhanh chóng tham gia CPTPP là không lớn khi tân Tổng thống Biden vẫn còn nhiều vấn đề đối nội cần giải quyết.
Song Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ quan điểm, việc Anh trở thành nước bên ngoài đầu tiên đăng ký tham gia CPTPP thể hiện tham vọng muốn tham gia các hoạt động thương mại với các nước, các đối tác trên thế giới thông qua những điều khoản có lợi nhất của nước này. Động thái đó thể hiện mong muốn trở thành “ngọn cờ đầu” trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu của nước Anh.
Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức khác mà Anh cần giải quyết trước khi có thể chính thức tham gia CPTPP. Chúng bao gồm việc thiết lập các mức thuế quan mới giữa các bên và thiết lập cấu trúc để xây dựng các thỏa thuận song phương trong tương lai. Các nước cũng cần thông qua những quy tắc ký gửi phù hợp để hàng hóa có thể được vận chuyển qua các nước ngoài CPTPP như Mỹ, EU một cách thuận lợi mà không bị mất quy chế ưu đãi.
Giới quan sát cho biết đây không chỉ đơn thuần là quá trình Vương quốc Anh ký kết CPTPP mà nước này còn cần cam kết với các quy trình và thủ tục đã có sẵn, được phát triển bởi các quốc gia khác. Điều đó sẽ đặt ra một số vấn đề triển khai thực tế cần được giải quyết trước khi Anh thực sự trở thành một phần của CPTPP.
Như đối với vấn đề vệ sinh thực phẩm, việc nước Mỹ không tham gia CPTPP đồng nghĩa là Anh không phải ngay lập tức đối mặt với bất kỳ áp lực nào về việc chấp nhập sản phẩm thịt gà khử trùng bằng clo. Nhưng do các quy tắc của CPTPP được viết khi Mỹ vẫn là một thành viên, chúng sẽ không thuận lợi cho những tiêu chuẩn và cách tiếp cận hiện có của Anh. Và điều này hoàn toàn có thể khiến Anh dễ bị tổn thương bởi những thách thức từ các thành viên CPTPP khác về cách tiếp cận đối với an toàn thực phẩm.
Đối với nhiều doanh nghiệp Anh, việc tham gia CPTPP từng là điều khá xa vời trong giai đoạn nước này phải đối phó với những thách thức lớn hơn nhiều nhằm đảm bảo một thỏa thuận Brexit. Không thể phủ nhận rằng lợi ích cho kinh tế Anh từ việc tham gia CPTPP chưa rõ ràng và các nhà xuất khẩu có thể sẽ tỏ ra hoài nghi.
Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề địa chiến lược cần thiết. Và nếu tham gia CPTPP không cản trở Vương quốc Anh đạt được các thỏa thuận FTA với những nền kinh tế khác, thì các doanh nghiệp sẽ không tổn hại gì từ việc London tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận