menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Thách thức mới với nguồn cung lương thực toàn cầu từ vụ mùa của Mỹ

Dự nguồn cung khan hiếm đẩy giá lương thực lên cao trong năm nay.

Nhiệt độ cao vào mùa hè năm nay làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở khu vực phía Tây và vùng Đại Bình nguyên tại Bắc Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất vụ mùa.

Năm nay, vụ thu hoạch kém năng suất tại Mỹ đang cản trở các nỗ lực giải tỏa căng thẳng nguồn cung lương thực toàn cầu, vốn bị hạn chế bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine, các lãnh đạo ngành nông nghiệp chia sẻ.

Lãnh đạo cấp cao tại một số doanh nghiệp như Bayer AG, Corteva Inc., Archer Daniels Midland và Bunge cho biết nguồn cung lương thực toàn cầu vẫn tương đối khan hiếm. Thế giới cần thêm những vụ thu hoạch bội thu ở cả Bắc và Nam Mỹ ít nhất trong hai năm tđể làm suy giảm sức ép thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán kéo dài ở Mỹ và một số quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp tại Nam Mỹ, cùng với đó là sự bất ổn định liên quan tới năng suất mùa vụ tại tâm điểm xung đột Ukraine, khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn.

“Khi nhắc đến nguồn cung lương thực toàn cầu, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện ở thời điểm hiện tại”, Werner Baumann, Giám đốc điều hành của Bayer, nhận định.

Nhiệt độ cao vào mùa hè năm nay làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở khu vực phía Tây và vùng Đại Bình nguyên tại Bắc Mỹ. Tại các bang như Kansas, Nebraska và Oklahoma, nắng nóng gay gắt nổ ra đúng vào thời điểm cây ngô trên các cánh đồng thuộc khu vực “vành đai ngũ cốc” cần nhiều nước nhất cho quá trình sinh trưởng. Theo các chuyên gia phân tích nông nghiệp, năng suất của một số vụ ngô trồng muộn sau mùa xuân mưa nhiều trong năm nay cũng không cao.

Ngày 12/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ dự báo sản lượng ngô trên toàn quốc xuống còn 13,9 tỷ giạ (tương đương 353 triệu tấn), thấp hơn 3% so với dự báo hồi tháng 8 và 8% so với tổng sản lượng của năm 2021. Ước tính, sản lượng đậu tương trong tháng 9 giảm 3% so với mức dự báo kỷ lục vào tháng 8 và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 8, công ty tư vấn nông nghiệp Professional Agricultural of America Inc cắt giảm dự báo năng suất ngô tại bang Nebraska và Nam Dakota năm nay lần lượt thấp hơn 13% và 22% so với năm 2021.

"Vụ thu hoạch ngô tại Bắc Mỹ và châu Âu dự kiến có năng suất thấp hơn vài năm gần đây. Điều này cản trở nỗ lực biến năm 2022 là năm tăng cường nguồn cung lương thực trên toàn thế giới", Chuck Magro, Giám đốc điều hành của Công ty hạt giống và thuốc trừ sâu Corteva, chia sẻ.

“Thị trường ngũ cốc và hạt có dầu toàn cầu cần hai vụ thu hoạch với năng suất tốt liên tiếp để ổn định nguồn cung”, ông Magro chia sẻ.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá lúa mì tương lai trên Sàn giao dịch Chicago tăng 17% trong 12 tháng qua, trong khi giá ngô tăng khoảng 28% và giá đậu tương tăng khoảng 14% cùng giai đoạn.

Hiện tượng thời tiết cực đoan trong nhiều năm ảnh hưởng tiêu cực tới các vùng sản xuất nông nghiệp lớn trong đó có Nam Mỹ, kéo giảm nguồn cung lương thực toàn cầu. Năm nay, cuộc xung đột Nga - Ukraine lại gây gián đoạn quá trình chuyên chở hàng hóa từ một trong những khu vực xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Những yếu tố đó đẩy giá lương thực lên cao trong năm nay, đặc biệt là tại các nước nghèo.

Trong một báo cáo tháng 9 về an ninh lương thực toàn cầu ở 77 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, USDA ước tính có 1,3 tỷ người đối mặt với nguy cơ thiếu đói, cao hơn khoảng 10% so với dự báo năm 2021.

Thách thức mới với nguồn cung lương thực toàn cầu từ vụ mùa của Mỹ

Nguồn cung khan hiếm đẩy giá lương thực lên cao trong năm nay. Ảnh: Arin Yoon/Bloomberg News.

Giá lượng thực tăng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine vào cuối tháng 2, sau đó bắt đầu hạ nhiệt trong vài tháng gần đây. Thỏa thuận giữa Nga và Ukraina, được ký kết vào tháng 7, cho phép hơn một triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt tại Ukraine được xuất khẩu qua Biển Đen, giúp giảm bớt phần nào căng thẳng nguồn cung lương thực.

Tại hội nghị đầu tư ngày 7/9, Juan Luciano, Giám đốc điều hành của Công ty Archer Daniels Midland, cho biết từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, Ukraine chỉ xuất khẩu lượng ngũ cốc bằng 40% so với thời điểm thông thường trong cùng giai đoạn. Sau khi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen ra đời, quốc gia này xuất đi lượng ngũ cốc tương đương khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ghi nhận cùng kỳ hàng năm. Tháng 9, lượng xuất khẩu có thể cải thiện hơn nữa, đạt 80% hoặc 90%.

“Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã hồi phục khá nhanh. Tôi hy vọng điều này tiếp tục được duy trì dù vẫn còn một chặng đường dài để áp lực trong hệ thống cung cấp lương thực thực sự được giải tỏa”, Luciano nhận định. “Có thể sẽ cần hai hoặc ba vụ mùa bội thu ở cả Nam và Bắc bán cầu để đáp ứng đủ nguồn cung lương thực trên thế giới”, ông nói.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen giúp giải phóng không gian lưu trữ tại Ukraine đồng thời hỗ trợ tài chính tài chính cho người nông dân trong quá trình chuẩn bị cho các vụ mùa tiếp theo. Nếu không có đủ tiền, người nông dân có thể gặp khó khăn trong việc mua hạt giống, phân bón và các nguyên liệu cần thiết phục vụ công tác gieo trồng, các cán bộ và chuyên gia phân tích chia sẻ. Một số công ty như Bayer hiện tham gia hỗ trợ cho nông dân vật phẩm, bao gồm cả thiết bị gỡ mìn khỏi các cánh đồng.

Thách thức mới với nguồn cung lương thực toàn cầu từ vụ mùa của Mỹ

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen phần nào giúp giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu. Ảnh: Oleksandr Gimanov/Agence France-Presse/Getty Images.

Tuy nhiên, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đứng trước một thử thách mới sau khi các quan chức Nga tỏ ra không hài lòng với một số điều khoản.

Hồi đầu tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Nga có thể rút khỏi thỏa thuận mà Liên hợp quốc làm trung gian khi cho rằng phương Tây chỉ đang lợi dụng thỏa thuận để có được ngũ cốc với mức giá tốt hơn mà không quan tâm tới quyền lợi của các nước đang phát triển. Các quan chức Nga cho biết một số điều khoản của thỏa thuận nhằm giúp Nga bán phân bón và các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh chịu nhiều cấm vận không phát huy hiệu quả tính tới thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết việc làm mới thỏa thuận khi đáo hạn vào cuối tháng 11 là rất cấp thiết để giảm bớt áp lực đối với các kho dự trữ lương thực toàn cầu.

“Chúng ta cần phải giải phóng lượng lương thực tồn đọng tại Ukraine không chỉ vì mục tiêu an ninh lương thực toàn cầu mà còn vì chất lượng ngũ cốc trong mùa vụ sau”, Greg Heckman, Giám đốc điều hành Bunge, công ty chế biến hạt có dầu lớn nhất thế giới có trụ sở tại St. Louis, chia sẻ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại