Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam sau Covid-19
Một số biện pháp hành động tốt nhất áp dụng vào quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Các công ty còn đang nhỏ cần phát triển lên một quy mô đủ lớn để có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường. Bởi lẽ CEO của các công ty nhỏ thường chưa có nhiều kinh nghiệm và việc công ty chưa đủ lớn lại giới hạn kinh nghiệm học hỏi của CEO, khiến họ không đủ năng lực lèo lái doanh nghiệp lớn mạnh. Vòng luẩn quẩn đó chỉ có thể được phá vỡ nếu doanh nghiệp phát triển lên quy mô mới.
Để doanh nghiệp phát triển lớn cần huy động được vốn nhưng trong bối cảnh hiện nay việc gọi vốn rất khó khả thi. Đây là bất lợi lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp dù là mô hình kinh doanh thiên về công nghệ, bán lẻ hay dịch vụ, nhất là khi các đối thủ toàn cầu có thể thâm nhập thị trường dễ dàng.
Khung thời gian để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển lên đang bị thu hẹp. Mỗi lĩnh vực đều đã có nhiều doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài vẫn không ngừng tiến vào thị trường nội địa và phát triển sản phẩm/dịch vụ ở cả hai mảng online và offline. Trong vòng 2-3 năm tới nếu các doanh nghiệp Việt Nam không lớn kịp sẽ khó có cơ hội để cạnh tranh.
So với nước trong khu vực, Việt Nam là quốc gia chống dịch tốt và đang có khởi đầu thuận lợi sau dịch. Các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thời cơ vẫn có cơ hội để bứt lên bằng cách sử dụng tốt nhất những nguồn lực sẵn có về con người.
Doanh nghiệp loại nào có khả năng thoát khỏi khủng hoảng?
Những công ty có khả năng thích nghi được với bối cảnh hậu khủng hoảng với ưu thế cạnh tranh rõ rệt so với các đối thủ sẽ dành phần thắng.
Các nhà đầu tư hiện tại sẽ tập trung vào các doanh nghiệp như sau: mô hình kinh doanh thực sự có lãi; tổ chức phải có năng lực học hỏi nhanh và biết rõ thị trường biến đổi sao để điều chỉnh liên tục; ứng dụng được công nghệ và số hóa hệ thống vận hành mới để phát triển lên quy mô lớn và bền vững.
Năng lực học tập của CEO là tối quan trọng trong mọi thời điểm
Một tổ chức có khả năng học tập hay không phụ thuộc vào người CEO. Đó cần là một lãnh đạo biết lắng nghe, không ngại tham gia vào những công việc chi tiết nhất trong tổ chức để có cơ hội trải nghiệm và không ngừng nâng cấp bản thân để được làm việc với những người giỏi hơn mình. Quan trọng hơn cả, những kết quả đạt được từ việc học tập đó cần được lan tỏa cho cả đội ngũ, có hiệu quả cho toàn bộ tổ chức và tạo thành văn hóa doanh nghiệp.
Khả năng học tập của CEO cũng liên quan đến khả năng thích ứng, thay đổi theo hướng tích cực. Khi gặp khó khăn, bản lĩnh của một CEO thể hiện ở khả năng vùng vẫy và sống sót. Còn ngay khi đang thành công, người lãnh đạo cũng cần có mindset chiến thắng bản thân mình để tiến xa hơn nữa.
Endeavor là mạng lưới có thể giúp các nhà sáng lập học hỏi qua các tổ chức tương đồng trên khắp thế giới. Phải chấp nhận sai chấp nhận mất thời gian để có cơ hội học hỏi bên ngoài. Không có công thức chung cho thành công, các CEO cần chấp nhận sai lầm và đánh đổi thời gian để có cơ hội học hỏi bên ngoài và tạo sự cân bằng giữa làm việc và networking.
Lĩnh vực đầu tư đáng chú ý tại Việt Nam trong thời gian tới
Thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển với dân số 100 triệu dân với thu nhập từ tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Đó là mảnh đất đủ lớn để các doanh nghiệp tăng quy mô và xây dựng thêm một số năng lực.
Việt Nam có cơ hội trong ngành sản xuất do lợi thế về lực lượng lao động, vị trí địa lý, hạ tầng logistics. Nhưng mảng sản xuất gia công muốn phát triển cần dựa vào năng lực quản lý sản xuất, yếu tố chưa phải điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Gia công sản xuất cũng cần đầu tư nhiều vốn vào kho bãi, nhà xưởng và khi xuất đi nước ngoài giá trị thặng dư không nhiều, phụ thuộc vào khách hàng bán hàng. Do vậy, ngành sản xuất có cơ hội nhưng lại bị phụ thuộc nhiều vào vốn và năng lực sản xuất là những yếu đố đa số doanh nghiệp đang thiếu.
Việt Nam có cơ hội sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để bán online ra nước ngoài. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần có thị trường nội địa nuôi dưỡng để xây dựng các năng lực về sản xuất, vận hành, bán hàng, quảng cáo và đặc biệt là xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên đây cũng là những lĩnh vực các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực trau dồi thêm kinh nghiệm.
Doanh nghiệp có nên chuyển sang một ngành khác để nắm bắt cơ hội?
Nguồn lực của Việt Nam còn yếu nên thế mạnh lớn nhất vẫn chỉ là nguồn lực con người và sự tập trung. Tích lũy tư bản và tích lũy kinh nghiệm vận hành đòi hỏi thời gian dài. Do mở cửa sau nên trình độ đội ngũ quản lý, năng lực tài chính của Việt Nam về căn bản đi sau các nước trong khu vực. Kiến thức chưa đủ có thể khiến các nhà sáng lập nhìn thế giới một cách hạn hẹp và phải trả giá đắt khi đi vào các lĩnh vực mới mà chưa có sự tìm hiểu kỹ càng. Một doanh nghiệp khi tăng trưởng chững lại thì cần chấp nhận chuyển sang một lĩnh vực khác và chấp nhận trả giá nếu thất bại để đổi lấy cơ hội mới.
Tuy nhiên nền tảng quản trị vận hành còn non trẻ của Việt Nam lại mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đi tắt và học cái mới nhanh hơn, so với các doanh nghiệp lớn đã có bộ máy truyền thống và bộ máy lâu năm nên khó để thay đổi. Trong giai đoạn thị trường có nhiều biến đổi khó lường thì doanh nghiệp cần tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn, tạo ra lãi, tập trung thị trường nội địa, nhìn vào nhu cầu của khách hàng để sống sót và nắm bắt cơ hội trong tương lai.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận