Thách thức của giáo dục trực tuyến
Thách thức lớn nhất của giáo dục trực tuyến là thiếu môi trường của lớp học thực sự mà ở đó tương tác, cạnh tranh, kiểm tra lẫn nhau giữa những người học và sự dõi theo của người dạy là những nhân tố then chốt thúc đẩy quá trình học tập.
Dịch Covid-19 buộc rất nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới chuyển sang mô hình trực tuyến. Thoạt nhìn, đây là một bước tiến đáng kể của nền giáo dục toàn cầu cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển của mô hình giáo dục này với rất nhiều nơi đang chật vật cho thấy, các chương trình trực tuyến khó có thể thay thế mô hình giáo dục truyền thống.
Mặt được:
Tiện lợi: Học trực tuyến không phải đi lại, không cần địa điểm, có thể trao đổi với các bạn học và giáo viên dễ dàng và tiện lợi, có thể hướng đến những nhu cầu chuyên biệt của từng nhóm, có thể truy cập được nhiều nguồn lực.
Chi phí thấp: So với học trực tiếp, chi phí học trực tuyến thường có chi phí thấp hơn đáng kể. Những khoản chi phí lớn nhất có thể tiết kiệm được là chi phí đi lại, nhà ở và thu nhập bị mất đi do gián đoạn trong trường hợp học trực tiếp.
Công nghệ: Điều kiện cần cho việc học trực tuyến là máy tính có kết nối internet. Đây là điều nằm trong khả năng của rất nhiều người trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay. Việc học trực tuyến thường không bị giới hạn như học trực tiếp.
Những lợi ích khác: Có thể học tập với rất nhiều người ở những nơi và xuất phát điểm khác nhau, không bị phân biệt đối xử về giới, sắc tộc, việc tham gia đa dạng, đồng đều hơn so với lớp học trực tiếp vì thường chỉ có một vài người phát biểu, các phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo.
Thách thức:
Hạn chế trong tương tác xã hội: Đây là nhược điểm hay khó khăn lớn nhất của việc học trực tuyến. Việc học trực tuyến có ít cơ hội tương tác trực tiếp tạo ra sự gắn bó với các bạn cùng lớp và không có cơ hội tiếp xúc với những người khác trong trường. Điều này dẫn đến hạn chế trong khả năng thấu hiểu lẫn nhau, tạo dựng các mối quan hệ, mạng lưới có tính gắn bó với nhau. Không có tương tác trực tiếp với giảng viên, không có không khí giảng đường.
Chi phí về mặt công nghệ và sắp xếp lịch: Người học yêu cầu phải tiếp cận và học hỏi các công nghệ, chương trình mới, nhất là việc xử lý những trục trặc liên quan đến máy tính và mạng. Đây là vấn đề thương gây khó khăn và căng thẳng cho rất nhiều người. Lịch trình học có thể xung đột với lịch làm việc và sự không rõ ràng giữa công việc và học hành (việc công và việc tư).
Điều này có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp và cơ hội phát triển của từng cá nhân. Thêm vào đó, do ở khác các múi giờ nên việc học có thể rơi vào những thời gian rất bất lợi.
Khó đánh giá các kết quả: Cách thức và kết quả đánh giá từng học viên và chung của cả lớp là một trong những thách thức rất lớn của các lớp học trực tuyến. Vấn đề quan trọng nhất là khó đánh giá kết quả mà người học tiếp thu được từ lớp học nói chung, cách thức truyền đạt của người dạy nói riêng.
Thách thức đối với người dạy: Người dạy cũng thường xuyên phải cập nhật các tiến bộ công nghệ. Việc chuyển từ lớp học truyền thống với các bài giảng và tương tác trong lớp sang môi trường trực tuyến thường rất thách thức đối với người dạy. Để có thể học tốt thì người học phải tự có động cơ và kỷ luật mà không có giám sát của người dạy và áp lực từ bạn cùng lớp.
Bản chất của con người là lười và hay trì hoãn, trong khi học là một việc hết sức nặng nề, căng thẳng. Đối với các lớp học trực tiếp, như đã nêu ở trên, người học thường chịu sự giám sát từ giảng viên và cạnh tranh hay áp lực từ bạn bè, trong khi các lớp học trực tuyến thường thiếu vắng điều này.
Khi tham gia các lớp học trực tiếp, người học luôn có cảm giác với ánh mắt theo dõi của giảng viên ở cả hai mặt tạo động cơ khuyến khích và áp lực. Việc nhận được những lời khuyến khích từ giảng viên có tác động rất lớn trong việc học tập và tìm tòi sáng tạo, và việc trong trạng thái luôn có sự dõi theo của giảng viên tạo áp lực cho người học giảm tâm lý trì hoãn hay làm những việc ảnh hưởng đến quá trình học tập.
Tương tự, do tiếp xúc hàng ngày nên người học biết được mình đang ở đâu trong lớp để phấn đấu hơn. Tâm lý con người thường muốn vươn lên, do vậy tất cả các thành viên trong lớp (nhóm khá nhất, nhóm ở giữa và nhóm yếu) đề có động cơ vươn lên tốt hơn. Nhóm đầu thì muốn tốt hơn nữa, nhóm giữa thì cải thiện với các cơ hội có được và nhóm phía sau thì có nỗ lực vươn lên để không bị trượt hay không đủ tiêu chuẩn yêu cầu của môn học.
Hai điều trên, thường thiếu ở các lớp học trực tuyến. Cảm giác có người thầy luôn nhìn sau gáy về việc học của mình thường không có và người học rất khó biết mình đang ở đâu trong lớp và những người bạn cùng lớp học như thế nào. Do vậy, người học thường không có cơ sở hay điểm tựa để cải thiện.
Tóm lại, giáo dục trực tuyến có những ưu điểm của nó. Tuy nhiên, thách thức quan trọng nhất là thiếu môi trường của lớp học thực sự mà ở đó tương tác, cạnh tranh và kiểm tra lẫn nhau giữa những người học và sự dõi theo của người dạy là những nhân tố then chốt thúc đẩy quá trình học tập.
Do vậy, chúng ta không nên kỳ vọng quá cao về mô hình học tập này, đặc biệt là nghĩ rằng mô hình này có thể thay thế tốt cho mô hình trường học truyền thống. Hai mô hình bổ trợ cho nhau nhiều hơn là thay thế cho nhau và mô hình giáo dục tại chỗ vẫn còn chỗ đứng rất lâu nữa. Điều mong mỏi lúc này là dịch bệnh sớm qua đi để các hoạt động và giao tiếp xã hội có thể trở lại.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận